Phú Giáo: Phòng chống dịch bệnh trên cây trồng

Thứ hai, ngày 09/10/2017

Phú Giáo là địa phương có thế mạnh phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế cao như cao su, điều, tiêu. Đây là một lợi thế góp phần duy trì sự phát triển ổn định của nền kinh tế huyện nhà, tuy nhiên người nông dân ở đây cũng thường xuyên đối mặt với tình hình dịch bệnh trên cây trồng.

(BDO)

 Vườn điều của một hộ nông dân trên địa bàn huyện. Ảnh: HẢI SÂM

 Ông Nguyễn Trường Hải, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo cho biết, thực hiện công tác bảo vệ thực vật, trạm đã thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến của thời tiết để kịp thời nắm bắt những nguy cơ về dịch bệnh trên cây trồng của người dân. Trước tình hình diễn biến bất thường của thời tiết, trạm đã tổ chức các đợt điều tra, khảo sát tình hình diễn biến của dịch bệnh trên cây trồng, triển khai các giải pháp cùng người dân kiểm soát, hạn chế sự lây lan của dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất trên cây trồng.

Hàng tháng, hàng quý, Trạm Bảo vệ thực vật huyện đều có thông báo về tình hình dịch bệnh trên cây trồng đến các xã, thị trấn; phối hợp với Đài Truyền thanh huyện tổ chức các buổi phát thanh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên cây trồng để nông dân chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình bệnh hại trên cây trồng nhằm có phương án phun xịt đúng thời điểm; đồng thời tổ chức nhiều buổi tập huấn, hội thảo, tọa đàm về các biện pháp, phương pháp quản lý dịch hại trên cây trồng cho nông dân…

Nhờ vậy, 9 tháng qua, tình hình dịch bệnh trên cây trồng của nông dân Phú Giáo đã được kiểm soát, khống chế. Đối với cây rau trên địa bàn huyện, bệnh đốm phấn, rầy, chết cây, bọ trĩ có 11 ha, mức độ gây hại từ 5-30%. Cây cao su có diện tích nhiễm các loại bệnh là 2.010 ha, chủ yếu là bệnh phấn trắng với mức độ gây hại từ 10- 20%. Cây điều xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại chủ yếu là thán thư, bọ xít muỗi, sâu đục thân, diện tích nhiễm là 38 ha, mức độ gây hại 10%. Riêng cây tiêu, các bệnh chủ yếu là vàng lá, chết nhanh, chết chậm, diện tích nhiễm là 9 ha, mức độ gây hại 2-5%...

Theo ông Hải, 9 tháng năm 2017, diện tích cây trồng bị nhiễm sâu bệnh tăng so với cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân là do thời tiết năm nay thất thường, nắng nóng, mưa trái mùa là điều kiện thích hợp cho các loài côn trùng chích hút, các nấm bệnh phát sinh phát triển gây hại cây trồng. Nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho người nông dân, nhất là sau những trận mưa lớn kéo dài suốt những ngày đầu tháng 10 này, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Phú Giáo tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tổ chức điều tra diện tích cây trồng bị nhiễm rệp vảy, phấn trắng trên cây cao su; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Trạm cũng sẽ tăng cường công tác điều tra dự báo, theo dõi tình hình sâu bệnh trên địa bàn, nhất là rệp sáp bột hồng trên khoai mì và rệp vảy, sùng hại rễ, bệnh phấn trắng gây hại trên cây cao su và sâu bệnh trên các loại cây trồng khác.

 HOÀI PHƯƠNG