Phú Giáo: Nỗ lực về đích nông thôn mới
(BDO) Phú Giáo hiện đã có 8/10 xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Với 2 xã còn lại, Huyện ủy Phú Giáo đang tập trung chỉ đạo, đề ra các giải pháp tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu trở thành huyện NTM.
Kinh nghiệm từ thực tế
Cùng với xã Phước Hòa, xã An Bình là 1 trong 2 xã cuối cùng của huyện Phú Giáo đang cố gắng hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Đến nay, An Bình đã đạt 15/19 tiêu chí, đây là sự nỗ lực phấn đấu liên tục của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Bình trong thời gian qua. Từ chương trình xây dựng NTM, bộ mặt kinh tế - xã hội của địa phương này thực sự đã có nhiều thay đổi; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Tại An Bình hôm nay, những căn nhà khang trang xuất hiện ngày càng nhiều, những tuyến đường bê tông, đường nhựa dã dần thay thế cho những con đường sỏi đỏ “nắng bụi mưa lầy” ngày nào.
Bên cạnh đó, những công trình an sinh như trường học, trạm y tế được đầu tư xây dựng khá hoàn thiện, đáp ứng tốt cho nhu cầu của người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 44 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều của cả nước. Số hộ nghèo theo tiêu chí tiếp cận đa chiều của tỉnh còn 37 hộ, chiếm tỷ lệ 0,89%; hộ cận nghèo còn 76 hộ, chiếm tỷ lệ 1,76%. Những đổi thay cơ bản của địa phương này là rất đáng ghi nhận khi xuất phát điểm trong xây dựng NTM của An Bình là khá thấp, quá trình xây dựng NTM của xã cũng gặp phải những khó khăn nhất định.
Việc thực hiện chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn của huyện Phú Giáo. Trong ảnh: Hệ thống hạ tầng giao thông, trường học khang trang tại xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo. Ảnh: C.SƠN
Ông Võ Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã đã được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt. Thông qua việc thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đã tạo ra sự thay đổi tích cực trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, trong từng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhân dân trên địa bàn xã đã đồng tình và tích cực tham gia vào chương trình, từ đó có thêm nhiều nguồn lực cho thực hiện chương trình. Từ khi thực hiện chương trình đến nay, nhân dân cùng các doanh nghiệp trên địa bàn xã đã đóng góp xây dựng, nâng cấp 103 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài hơn 103,84km; tự thay mới, nâng cấp 26 tuyến đường điện, tổng trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân và doanh nghiệp còn hiến đất xây dựng trường học, văn phòng ấp, mặt bằng để xây dựng chợ… tổng trị giá hơn 9,5 tỷ đồng; đóng góp tiền, vật liệu xây dựng, ngày công sửa chữa, xây dựng và trao tặng 54 căn nhà cho các hộ gia đình khó khăn về nhà ở, trị giá hơn 1,3 tỷ đồng.
Hiện nay, An Bình còn 4 tiêu chí chưa hoàn thành là giao thông, điện, môi trường, an ninh trật tự. Theo ông Võ Văn Lợi, mục tiêu của xã đến năm 2018 sẽ trở thành xã NTM. Vì vậy, với 4 tiêu chí còn lại, xã sẽ tập trung các nguồn lực, xây dựng các giải pháp cơ bản để hoàn thiện các tiêu chí này, trong đó xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; huy động các nguồn lực cũng như phối hợp với các ngành có liên quan để hỗ trợ xã thực hiện thành công các tiêu chí còn lại.
Đẩy mạnh tuyên truyền
Qua 6 năm xây dựng NTM, huyện Phú Giáo đã có nhiều đổi thay rõ rệt trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả trong tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện chương trình. Qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên; đồng thời khẳng định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính vì vậy, đến nay tổng nguồn vốn huy động của nhân dân, doanh nghiệp (bao gồm tiền đóng góp, ngày công lao động, hiến đất, tài sản trên đất…) cho thực hiện chương trình là trên 1.000 tỷ đồng.
Ông Tô Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Phú Giáo, cho biết qua 6 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi tích cực, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên cả về mặt vật chất và tinh thần. Công tác vận động được gắn chặt chẽ với tuyên truyền đã tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trong xây dựng NTM. Từ sự chuyển biến đó đã tạo ra sự đồng tình ủng hộ, sự tham gia tự nguyện của nhân dân và huy động được các nguồn lực trong xã hội cùng chung sức xây dựng NTM theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Cũng theo ông Đạt, với mục tiêu xây dựng 2 xã còn lại thành xã NTM, huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ cấp cơ sở và nhân dân nắm vững mục tiêu, phương pháp xây dựng NTM nhằm phát huy vai trò chủ đạo của nhân dân trong thực hiện chương trình; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở; giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí các xã đã đạt để việc thực hiện chương trình NTM tại huyện bảo đảm theo đúng định hướng là tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân...
Phú Giáo đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành huyện NTM. Việc thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng NTM tại Phú Giáo có ý nghĩa lớn vì chương trình sẽ tạo ra động lực quan trọng để địa phương có bước phát triển vững chắc, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay.
Cùng với An Bình, xã Phước Hòa cũng đang nỗ lực cán đích xây dựng NTM. Hiện xã Phước Hòa đã đạt 16/19 tiêu chí và đã đăng ký hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2017. Việc xây dựng NTM tại Phước Hòa cũng đã và đang nhận được sự đồng tình, tham gia tích cực của nhân dân.
CAO SƠN