Phú Giáo: Nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trước nguy cơ mai một

Thứ tư, ngày 02/06/2010
Phú Giáo là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống, trong đó tập trung nhiều nhất là tại xã An Bình. Những năm qua, được Đảng và chính quyền các cấp quan tâm chăm lo nên đời sống của ĐBDTTS huyện Phú Giáo nói chung, xã An Bình nói riêng đã có rất nhiều thay đổi. Đó là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, một vấn đề đáng quan tâm hiện nay là nguy cơ mai một những nét văn hóa đặc trưng của ĐBDTTS, mà xã An Bình là một điển hình cụ thể. Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết đồng bào dân tộc Khmer sinh sống tại An Bình cũng có những nét văn hóa truyền thống đặc trưng như lễ hội mừng lúa mới, lễ hội cồng chiêng; các trò chơi dân gian và một số loại hình nghệ thuật khác. Tuy nhiên, hiện nay những nét văn hóa đặc trưng đó của đồng bào dân tộc Khmer ở An Bình đang đứng trước nguy cơ bị mai một và nếu không được quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện để duy trì thì khả năng trong nay mai sẽ biến mất, vì một khi những người già mất đi mà không có điều kiện để lưu truyền cho con cháu thì lớp trẻ hiện nay sẽ không quan tâm đến những nét văn hóa của dân tộc mình. Lý giải nguyên do trên, bà Tuyến dẫn chứng trong quá trình giao lưu, sinh sống cùng với người Kinh, đa số lớp trẻ ĐBDTTS đều tiếp thu nhanh và chịu ảnh hưởng của văn hóa người Kinh, từ cách ăn mặc, chữ viết, nhà ở đều theo nét văn hóa của người Kinh. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn chính là thiếu một sân chơi, một chiến lược nhằm duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của ĐBDTTS ở địa phương. Chính vì thiếu sân chơi, không có điều kiện để tổ chức các lễ hội văn hóa mà những nét văn hóa riêng của ĐBDTTS bị thất truyền. Qua khảo sát thực tế tại địa phương, ngoài nguy cơ mất dần những lễ hội đặc sắc, điều làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là chữ viết của đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Bình cũng mất hẳn. Hơn 200 hộ gia đình dân tộc Khmer, với hơn 800 nhân khẩu, thế nhưng chẳng ai biết viết chữ của dân tộc mình. Theo lời giới thiệu, chúng tôi tìm đến nhà ông Ngưu Ngọt, năm nay 72 tuổi ngụ ấp Nước Vàng, một trong những người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Khmer của xã An Bình. Khi chúng tôi nhờ ông chỉ cho một người có khả năng viết được chữ Khmer, ông cười và đáp chắc nịch: “Ở xã này tôi đố chú tìm được người biết viết chữ dân tộc Khmer chúng tôi”. Với vẻ mặt buồn hiu, ông Ngọt cho biết từ đời cha ông trở về sau chữ viết của đồng bào Khmer đã không còn được duy trì, đến đời ông thì coi như mất hẳn. Thế hệ ông Ngọt ngày đó đi học chẳng ai dạy cho cách viết chữ của dân tộc mình. “Đi học ở trường thì sáng học tiếng Việt, chiều học tiếng Tây; cho nên tiếng của dân tộc mình coi như mất luôn từ đó. Buồn lắm chú ạ, bây giờ chúng tôi chỉ biết nói, trao đổi với nhau bằng tiếng dân tộc mình còn khi viết thì chịu! Thậm chí có những từ chúng tôi không biết phải sử dụng tiếng Việt để gọi tên, như cái hộp quẹt, cây cao su, cây điều... Nếu thấy chữ viết của người Khmer và bảo đọc thì chúng tôi cũng đành chịu thôi. Tôi rất mong được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ dạy chữ dân tộc Khmer cho thế hệ trẻ. Nếu cứ như thế này, tôi lo một ngày nào đó thế hệ trẻ người dân tộc chúng tôi còn không nói được cả tiếng dân tộc nữa”, ông Ngưu Ngọt nói. Gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của ĐBDTTS là một trong những mục tiêu lớn của Đảng. Những năm qua, chúng ta cũng đã và đang khôi phục lại những lễ hội truyền thống; cồng chiêng Tây nguyên đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Do vậy, việc khôi phục lại những lễ hội, thậm chí cả chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer xã An Bình là một việc làm cần thiết để tránh nguy cơ mai một nét đặc sắc trong văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn huyện Phú Giáo hiện nay. HOÀI PHƯƠNG