HƯỞNG ỨNG NGÀY VIÊM GAN THẾ GIỚI 28-7:
Phòng viêm gan - Hành động ngay bây giờ
Đó là chủ đề Ngày Viêm gan thế giới năm nay. Ngày Viêm gan thế giới được tổ chức hàng năm nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết trong cộng đồng về bệnh viêm gan và kêu gọi các quốc gia hãy hành động ngay trước khi quá muộn…
(BDO)
Các bà mẹ mang thai bị viêm gan vi rút cần được chăm sóc, theo dõi, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây truyền sang con trong khi sinh
(ảnh chỉ mang tính minh họa)
“Kẻ giết người thầm lặng”
Từ năm 2011, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 28-7 hàng năm là “Ngày Viêm gan thế giới” nhằm mục đích tăng cường nhận thức, hiểu biết về viêm gan vi rút và những bệnh mà nó gây ra. Việt Nam là một trong hơn 100 quốc gia trên toàn cầu tổ chức sự kiện nâng cao nhận thức của cộng đồng về viêm gan hàng năm. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới tại Việt Nam tập trung tuyên truyền về phòng ngừa viêm gan qua tiếp cận dịch vụ điều trị và can thiệp dự phòng, tiêm vắc xin phòng bệnh và bảo đảm an toàn trong truyền máu.
Có 5 loại viêm gan vi rút A, B, C, D và E. Trong đó, viêm gan vi rút B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể; viêm gan vi rút D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan vi rút A và E lây qua đường phân, đường miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Trong 5 loại vi rút viêm gan trên, vi rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Đây là 2 loại vi rút có thể gây ra bệnh mạn tính và nguy hiểm như ung thư gan và xơ gan. Có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm vi rút viêm gan B và C. Theo số liệu của WHO, trên toàn thế giới có hơn 2 tỷ người đã từng nhiễm vi rút viêm gan B, khoảng 130 - 150 triệu trường hợp nhiễm vi rút viêm gan C mạn tính và khoảng 1 triệu trường hợp tử vong hàng năm có liên quan đến bệnh viêm gan vi rút.
Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan cao. Theo số liệu công bố mới đây của ngành y tế, tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số; tỷ lệ nhiễm viêm gan C chiếm từ 2 - 6% dân số. Ước tính, cả nước có hơn 20 triệu người đang nhiễm vi rút viêm gan B và C, trong đó có khoảng 8 triệu người đang trong tình trạng viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Hàng năm, có khoảng 22.000 người tử vong do bị bệnh ung thư gan.
Nhiễm vi rút viêm gan, đặc biệt là vi rút viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm, nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân nước ta hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng và gây tử vong. Cũng chính vì sự nguy hiểm của viêm gan vi rút đối với sức khỏe con người và xã hội mà WHO đã cảnh báo và gọi căn bệnh này là “kẻ giết người thầm lặng”.
Có thể phòng bệnh
Theo các bác sĩ, mỗi loại vi rút viêm gan có đường lây truyền khác nhau nhưng có thể dự phòng, điều trị và có thể chữa khỏi. Những người có nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan B và C cao có thể bảo vệ họ và những người khác nếu biết được tình trạng nhiễm vi rút viêm gan của họ.
Để phòng chống bệnh viêm gan vi rút, ngành y tế khuyến cáo cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức cho mọi người biết về sự nguy hiểm của “kẻ giết người thầm lặng” này, từ đó biết cách phòng, chống bệnh một cách hiệu quả. Ngoài việc tăng cường tiêm vắc xin phòng ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh, cần tiêm vắc xin phòng bệnh cho những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người tiêm chích ma túy, người tiếp xúc với người nhiễm vi rút viêm gan B. Các bà mẹ mang thai được xác định bị viêm gan vi rút hãy đến cơ sở y tế để được chăm sóc, theo dõi, điều trị nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ lây truyền sang con trong quá trình sinh. Đối với các cơ sở y tế, cần áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để kiểm tra những người hiến máu, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong truyền máu và các chế phẩm từ máu; đồng thời thực hiện tốt công tác phòng, chống nhiễm khuẩn và chống lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
CẨM LÝ