Phong tục tết quê Kỳ lạ phiên chợ mỗi năm chỉ họp một lần
(BDO) Chợ Gò Trường Úc (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) chỉ họp duy nhất mỗi năm một lần vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán và mang đậm nét văn hóa miền “đất võ trời văn”, có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa.
Chợ Gò Trường Úc chỉ nhóm họp duy nhất mỗi năm một lần vào đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán hàng năm
Nằm cách TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định khoảng 8km, mỗi năm chợ Gò Trường Úc (hay còn gọi là chợ Gò) thuộc thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước chỉ nhóm họp duy nhất mỗi năm một lần vào ngày mùng 1 Tết Nguyên đán. Nơi họp chợ là một gò đất cao dưới chân núi Trường Úc, cạnh bờ sông Hà Thành đổ ra đầm Thị Nại. Nói là chợ nhưng thật ra chỉ là bãi đất trống rộng, không một gian hàng, túp lều, các ngày trong năm cũng không nhóm chợ mà là nơi chăn thả trâu bò hay chỗ để bọn trẻ tụ họp vui chơi.
Tương truyền, chợ Gò có nguồn gốc từ thời anh em nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa. Đây là chỗ tập trận của quân đội áo vải. Bộ binh đóng đồn trên núi Trường Úc, thủy quân từ đầm Thị Nại vào. Quân từ nhiều nơi hội tụ về nên để thỏa nỗi nhớ xa quê dịp tết, các tướng nhà Tây Sơn tổ chức cuộc vui ngay trên thao trường vào mùng 1 tết. Hồi đó nhà Tây Sơn tổ chức cho binh lính vui chơi đến khi mặt trời lặn. Lúc ấy, người thân của họ ra về, còn binh lính thì bắt đầu canh phòng nghiêm ngặt khi đêm xuống. Vì vậy, hàng năm các gia đình binh lính theo lệ về đây, người dân địa phương mang các sản vật “cây nhà lá vườn” bày bán nên gọi là chợ. Khi quân Tây Sơn tan rã, nơi đây trở thành lễ hội chợ Gò hàng năm.
“Phiên chợ Gò đã tồn tại suốt mấy trăm năm nhờ ý thức giữ gìn nét mộc mạc của một phiên chợ quê truyền thống của người dân. Điều này xuất phát từ sự tôn kính của người dân đối với các tướng lĩnh nhà Tây Sơn đã có công tổ chức lễ hội chợ Gò ban đầu. Phiên chợ mang ý nghĩa tốt đẹp, đem đến niềm vui, giúp người dân có nơi vui chơi trong dịp tết và cầu mong sự may mắn từ việc mua bán những sản vật địa phương trong năm mới”, các cụ cao niên thôn Phong Thạnh, nơi diễn ra phiên chợ hàng năm, cho biết.
Khác với những phiên chợ thường ngày, chợ Gò giống như một lễ hội vui xuân. Khi tiếng pháo giao thừa vừa dứt, người dân quanh vùng mang đến đây những sản vật địa phương như rau củ, các loại trái cây, thực phẩm, nhưng nhiều nhất vẫn là trầu cau. Ai đến trước bày hàng bán trước, ai đến sau thì nối nhau bày hàng, cứ thế chủ các gian hàng vui vẻ cùng bán hàng mà không hề có lời qua tiếng lại tranh giành như các phiên chợ thường nhật. Họ đem hàng đến bán để lấy lộc đầu năm. Người mua cũng không phải vì thiếu các thứ cần mua, mà là mua cái lộc đầu năm.
“Chợ Gò tuy mỗi năm chỉ nhóm họp một lần, nhưng hơn 30 năm qua, cứ mỗi dịp tết đến là tôi đều chọn trong vườn nhà mình những buồng cau, lá trầu đẹp nhất rồi gánh ra chợ bán lấy lộc đầu năm. Theo tục lệ, khách hàng mua 12 lá trầu để tượng trưng 12 tháng trong năm, hai trái cau chín đỏ, một ít vôi Trường Úc và một chùm trái sung với ý nghĩa cầu mong sự sung túc đến với gia đình suốt cả năm mới”, bà Hồ Thị Mỹ Hạnh (56 tuổi, ở thôn Phong Thạnh), cho biết.
Người xưa thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên hầu như ai đến chợ Gò Trường Úc vào đầu năm mới đều mang về vài gói trầu cau. Nhiều người mua trầu cau đem về đặt lên bàn thờ để tưởng nhớ tiên tổ, có người mua trầu cau đem về bói toán cầu may, còn những người lớn tuổi thì mua trầu cau đem lên núi Trường Úc viếng mộ người thân. Mỗi gói trầu cau chỉ vài ngàn đồng, nhưng đến với chợ Gò mà không mua trầu cau xem như chưa đến chợ vì thiếu lộc đầu năm. “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” nên muối cũng là mặt hàng đắt khách.
Trai gái ở tuổi đôi mươi khoác tay nhau đến chợ thường tìm mua vài quả cau, ít lá trầu đẹp nhất và chút vôi hồng với cầu mong cho duyên thêm thắm, tình thêm nồng. Rất nhiều đôi trai gái đã nên vợ thành chồng từ phiên chợ Gò hàng năm. “Thời trẻ, cụ và ông nhà nên vợ nên chồng nhờ đi cầu duyên ở chợ Gò. Với cụ, ở đây tết đến mà ai không đi chợ Gò xem như chưa ăn tết. Ngày trước còn khỏe cụ vẫn thường mang trầu cau ra chợ bán, nay già yếu rồi nên mỗi năm đến phiên chợ Gò phải nhờ con cháu đưa đi mua ít trầu cau xem như lấy lộc đầu năm”, cụ bà Nguyễn Thị Đào (83 tuổi, ở thôn Phong Thạnh) vui vẻ cho biết.
Điều đặc biệt, tham gia phiên chợ tuyệt nhiên không ai mặc cả về giá, không cò kè bớt một thêm hai. Tất cả đều vui vẻ trao cho nhau chút lộc đầu xuân, chúc nhau một năm mới an khang thịnh vượng.
ÁNH HƯỜNG