Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
(BDO) Đề án “Phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và từng bước giảm thiểu được tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Nói chuyện chuyên đề nhân tháng hành động bình đẳng giới
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết khi triển khai thực hiện đề án, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1819/QĐ-UBND ngày 7-7-2017 ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Kế hoạch nêu cụ thể các hoạt động nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh, như tổ chức các hoạt động truyền thông; tổ chức nói chuyện chuyên đề, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực; triển khai các dịch vụ, mô hình tư vấn, hỗ trợ cho các nạn nhân bị bạo lực.
Qua 3 năm, Bình Dương đã triển khai thí điểm mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng ở phường Phú Lợi (TP.Thủ Dầu Một) để cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới.
Đặc biệt, trong năm 2018, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho 200 người là thành viên tham gia mô hình và cộng tác viên trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một về hoạt động của mô hình nhằm từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại cộng đồng, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn.
Song song đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã thí điểm thành lập 9 địa chỉ tin cậy tư vấn cho phụ nữ, trẻ em bị bạo hành tại 9 huyện, thị, thành phố. Tại mỗi xã, phường, thị trấn đặt địa chỉ tin cậy có cung cấp số điện thoại tư vấn và hỗ trợ nhu yếu phẩm trong trường hợp nạn nhân bị bạo lực có nhu cầu.
Công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng dân cư. Các mô hình tư vấn, hỗ trợ được triển khai tại các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, góp phần đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin và dịch vụ hỗ trợ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới của người dân trên địa bàn. Đặc biệt việc thí điểm thành lập nhà tạm lánh tại cộng đồng đã cung cấp một địa chỉ tin cậy luôn sẵn sàng tiếp nhận nạn nhân của bạo lực đến tạm lánh.
“Đến nay, tại một số địa phương cũng đã thành lập và duy trì hoạt động mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, điển hình tại xã Tân Định, huyện Bắc Tân Uyên và xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng. Mỗi mô hình có các tổ phòng chống bạo lực trên cơ sở giới để tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin các vụ bạo lực xảy ra trên địa bàn và các câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ về các nội dung thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực. Ngành lao động cũng đã hỗ trợ sinh hoạt định kỳ 27 Câu lạc bộ Bình đẳng giới tại 9 huyện, thị, thành phố với mục đích tuyên truyền các quy định pháp luật, chính sách về bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ và phòng chống bạo lực gia đình”. (Bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) |
T.VY