Phòng ngừa “tín dụng đen” tiếp cận, lôi kéo công nhân
(BDO) Nhằm tránh tình trạng tội phạm “tín dụng đen” tiếp cận và lôi kéo công nhân lao động, đặc biệt là vào những tháng cuối năm, các ngành chức năng của Bình Dương đã triển khai nhiều kế hoạch phòng ngừa kết hợp đấu tranh, nâng cao tinh thần cảnh giác của người lao động trước loại tội phạm này.
Mở đợt cao điểm tấn công tội phạm “tín dụng đen”
Trong 9 tháng năm 2022, Công an Bình Dương đã phát hiện 6 vụ liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, qua đó đã khởi tố 8 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Đáng chú ý là tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động này trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp.
Công an tỉnh chú trọng tuyên truyền pháp luật cho người dân về phương thức, thủ đoạn của tội phạm “tín dụng đen”
Theo ghi nhận của cơ quan chức năng, các đối tượng cho vay tiếp cận người vay qua các hình thức như rải tờ rơi quảng cáo, cho vay qua app… với các điều kiện hết sức đơn giản. Khi người vay mất khả năng chi trả sẽ bị đối tượng gọi điện thoại gây rối, “khủng bố” tinh thần, đe dọa để đòi nợ. Đáng chú ý là việc đối tượng gọi điện đe dọa, “khủng bố” những người không liên quan, không có trách nhiệm trả nợ như người thân, bạn bè, cơ quan, đồng nghiệp... của người vay nợ, từ đó gây phiền hà, bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương.
Trước tình hình trên, Công an tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm, trong đó có hoạt động “tín dụng đen”. Mới đây, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn. Kế hoạch có sự phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, phối hợp với lực lượng công an giải quyết cơ bản tình hình vi phạm pháp luật liên quan đến cho vay lãi nặng.
Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
Theo trung tá Lê Xuân Sang, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, qua công tác nắm tình hình và kết quả điều tra các vụ án xác định hiện nay hoạt động “tín dụng đen” có 2 dạng. Với hoạt động “truyền thống”, vẫn là kiểu cho vay dạng “đáo hạn ngân hàng” với hình thức cho vay ngắn hạn từ 5 đến 10 ngày nhưng lãi suất rất cao và người vay phải thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bằng hình thức ký công chứng ủy quyền toàn phần. Hình thức này hiện nay nhiều nhưng khó phát hiện vì chỉ khi hai bên xảy ra tranh chấp thì mới tố cáo và do bên cho vay có sự đối phó nên về mặt pháp lý rất rõ ràng, mang yếu tố dân sự.
Song song đó, hoạt động “tín dụng đen” lợi dụng công nghệ cao cho vay qua các app hiện đang rất phổ biến. Người vay chỉ cần đáp ứng một số thông tin cơ bản thì sẽ được vay, hoàn toàn không có hợp đồng hay tài liệu gì. Khi xảy ra tranh chấp, bên cho vay sẽ dùng điện thoại di động nhắn tin, gửi mail đe dọa, chửi bới đến những người không liên quan. Tuy nhiên, các vụ việc mà đối tượng gọi điện thoại “khủng bố” chỉ sử dụng sim rác, không xác định được vị trí, nhân thân lai lịch của các đối tượng này nên cơ quan công an rất khó đấu tranh.
Đối với hoạt động “tín dụng đen” do các đối tượng thực hiện với hình thức phát tờ rơi đang hoạt động mạnh trở lại. Cùng với đó là hoạt động đòi nợ mang tính côn đồ, manh động khiến người dân vô cùng bức xúc. Người dân cần lưu giữ bằng chứng và tố giác với cơ quan công an để được giải quyết theo quy định pháp luật.
Trung tá Lê Xuân Sang cho biết thêm: “Sắp tới, dự báo tình hình kinh tế - xã hội có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp kéo theo các vấn đề an sinh xã hội là nguyên nhân nảy sinh nhiều loại tội phạm, trong đó tội phạm “tín dụng đen” có nhiều điều kiện để hoạt động mạnh trở lại. Do đó, đợt cao điểm nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc phối hợp với công an giải quyết cơ bản tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Từ đó, tạo sự chuyển biến tích cực, rõ nét, góp phần quan trọng kiểm soát và kéo giảm phạm pháp hình sự trên địa bàn tỉnh, đem lại sự bình yên cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao uy tín lực lượng Công an nhân dân trong công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Qua đợt cao điểm, Công an tỉnh cũng tăng cường các hoạt động phòng ngừa xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn xã hội đối với hậu quả, tác hại của “tín dụng đen” và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan; nâng cao ý thức cảnh giác của người dân về việc tự phòng tránh, không để bị tội phạm xâm hại; không tham gia vào các hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” và tích cực tố giác tội phạm”.
Liên quan đến công tác phòng ngừa tội phạm “tín dụng đen” nhắm vào đối tượng công nhân lao động, đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết thời gian qua đơn vị đã tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm này cho người lao động. Trước tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng có dấu hiệu hoạt động mạnh trở lại, Liên đoàn Lao động tỉnh dự kiến sẽ tổ chức buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với đoàn viên công đoàn, công nhân lao động. Tại buổi gặp gỡ này, ngoài những vấn đề về nhu cầu nhà ở xã hội, chế độ, chính sách đối với người lao động; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ chân người lao động… thì đơn vị tổ chức cũng lồng ghép tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trong tình hình mới, nhất là tội phạm “tín dụng đen” đang nhắm tới công nhân lao động. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng sẽ hướng dẫn công nhân lao động cách thức tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng uy tín một cách thuận lợi, từ đó tránh cho công nhân lao động rơi vào bẫy “tín dụng đen”. |
TÂM TRANG