Phòng ngừa, ngăn chặn người tâm thần gây án: Nâng cao trách nhiệm của gia đình và cộng đồng
(BDO) Thời gian qua, một số người tâm thần đã gây ra nhiều vụ việc không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự mà còn gây tổn hại đến bản thân và sức khỏe của người khác. Trước tình hình trên, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, giúp đỡ nhóm đối tượng trên hòa nhập với cuộc sống, không để họ gây ra những vụ việc đáng tiếc.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở kỹ năng chăm sóc sức khỏe người tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí
Hành động bột phát, nguy hiểm khôn lường
Trong những năm gần đây, số người mắc bệnh tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Thực tế cho thấy một số người tâm thần đã có hành động bột phát gây mất an ninh trật tự, khiến người dân hoang mang.
Cụ thể như trường hợp ông Ng.Th.N. (sinh năm 1954, ngụ TP.Thuận An) cầm hung khí “hù dọa” người đi đường trên địa bàn phường Lái Thiêu, gây bất an cho người dân cách đây không lâu. Nhận được thông tin, UBND phường Lái Thiêu đã triệu tập ông N. cùng đại diện gia đình. Tại buổi làm việc, vợ và con trai xác định ông N. có vấn đề về sức khỏe tâm thần, lo lắng có ai đó làm hại mình nên thường mang theo dao, kéo khi đi ra đường để “phòng thân”. Qua vận động, gia đình đã đưa ông N. vào cơ sở y tế để điều trị bệnh.
Trước đó, Công an TP.Thuận An tiếp nhận tin báo của một chủ vựa bán cây kiểng trên đường ĐT743C (khu phố Đồng An 1, phường Bình Hòa) về việc một thanh niên đột nhập vào cửa hàng hủy hoại tài sản. Qua điều tra, Công an TP.Thuận An xác định vào ngày 4-11, Nguyễn Văn Hoài A. (sinh năm 1996, quê Tiền Giang) nhìn thấy vựa bán cây kiểng trên không có người trông coi nên vạch rào chui vào tắm rửa và ngủ. Một lúc sau, A. mở tivi xem nhưng không coi được nên phá tivi cùng hàng trăm chậu cây, tượng con vật (ước tính trị giá khoảng 100 triệu đồng). Phát hiện vụ việc, chủ vựa cây kiểng đã bắt quả tang A. giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Qua điều tra, Công an TP.Thuận An xác định A. có tiền sử về bệnh tâm thần, thường xuyên bỏ nhà đi lang thang. Công an thành phố đã lập hồ sơ, cho người nhà cam kết bảo lãnh đưa đối tượng về quản lý và đưa đi điều trị.
Mới đây, Báo Bình Dương cũng tiếp nhận đơn thư của người dân ở khu phố Thạnh Quý (phường An Thạnh, TP.Thuận An) phản ánh ông T.V.L. (ngụ TP.Thuận An) vô cớ đánh người, trong đó có cả trẻ em và người già. Qua xác minh thông tin, lực lượng chức năng phường An Thạnh xác định ông L. có bệnh lý tâm thần nên đã vận động gia đình đưa ông L. đi điều trị.
Phòng ngừa, triệt tiêu nguy cơ phát sinh tội phạm
Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 30.300 đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng, trong đó có hơn 2.740 người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt và rối loạn tâm thần. Hiện nay, phần lớn gia đình người mắc bệnh tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí, trẻ em tự kỷ còn gặp khó khăn về vật chất và tinh thần. Người bị mắc bệnh tâm thần chủ yếu sống dựa vào người thân và trợ cấp xã hội hàng tháng, do đó họ gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, giao tiếp và tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Trong khi đó, đội ngũcán bộ, nhân viên trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí ở các bệnh viện, cơ sở bảo trợ xã hội còn thiếu. Trước tình hình trên, các ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc chăm lo đời sống của người tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí, nhằm giúp họ vươn lên hòa nhập cộng đồng, đóng góp cho gia đình và xã hội.
Bà Trịnh Thị Huyền, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1940/ KH-UBND ngày 7-5-2021 về việc triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, giai đoạn 2021-2030 (gọi tắt là Chương trình 1940). Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình là huy động, phát huy các nguồn lực xã hội trợ giúp về vật chất, tinh thần cho người tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí tham gia hoạt động phục hồi chức năng, sớm hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Theo bà Huyền, trên cơ sở Chương trình 1940, sở đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm tạo điều kiện cho nhóm đối tượng người tâm thần và rối loạn nhiễu tâm trí tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Bên cạnh đó, sở còn phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng chăm sóc sức khỏe người tâm thần. Riêng trong tháng 10- 2022, Phòng Bảo trợ xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe người tâm thần cho 851 đại biểu là cán bộ, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội. Thông qua tập huấn giúp cho đội ngũcán bộ, nhân viên công tác xã hội có kỹ năng phát hiện những người có nguy cơ rối loạn tâm thần tại cộng đồng và lựa chọn phương án hỗ trợ cho đối tượng có nguy cơ. Đồng thời, trang bị kiến thức cần thiết để xử lý những tình huống sơ cấp cứu bệnh lý tâm thần hay gặp tại cộng đồng cùng khả năng giao tiếp, làm việc với nhóm đối tượng này.
Chương trình 1940 được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2021-2025 và 2025-2030 với mục tiêu chung là huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng tăng cường trợ giúp về vật chất, tinh thần, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối loạn nhiễu tâm trí. Đồng thời sàng lọc, phát hiện và hỗ trợ can thiệp, phòng ngừa người rối loạn nhiễu tâm trí, đặc biệt là trẻ bị tâm thần nặng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội với người tâm thần và rối loạn nhiễu tâm trí. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh xã hội hóa về công tác chăm sóc người tâm thần, lồng ghép hoạt động trợ giúp người tâm thần vào các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương. Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối loạn nhiễu tâm trí. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên làm công tác quản lý, chăm sóc người tâm thần, rối loạn nhiễu tâm trí và trẻ em tự kỷ… |
NGUYỄN HẬU