Phòng ngừa chứng tự kỷ đối với trẻ

Thứ tư, ngày 17/10/2012

Chứng tự kỷ (TK) đối với con trẻ là một trong những vấn đề làm cho các bậc phụ huynh hết sức quan tâm và lo lắng. Biểu hiện của trẻ TK với những hành vi khác thường hoặc lặp đi lặp lại, tự dưng có thể la hét, trẻ không nhận biết được nguy hiểm… Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm (ảnh), Hiệu trưởng trường chuyên biệt Khai Trí (TP.HCM) cho biết thì số trẻ mắc bệnh TK ở nước ta đang có dấu hiệu gia tăng, trong đó cũng có không ít phụ huynh ở Bình Dương đưa con mắc chứng TK đến học và điều trị tại các trường chuyên biệt ở TP.HCM.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm thì ở nước ta hiện nay số trẻ mắc chứng bệnh TK thống kê lên đến con số 300.000 trẻ. Đây là con số được ghi nhận tại các bệnh viện, trường học chuyên biệt, số còn lại chưa được phát hiện, hoặc phát hiện mà không được đưa đi điều trị còn tiềm ẩn của con số lớn hơn.

TK liên quan đến sự phát triển bất thường của não bộ và hành vi biểu hiện trước khi đứa trẻ 3 tuổi và có quá trình tiến triển không suy giảm. Nó đặc trưng bởi sự suy giảm trong giao tiếp và phản xạ xã hội, cũng như hạn chế và cư xử lặp đi lặp lại. Trẻ TK có những biểu hiện không bình thường, đôi khi giống như một đứa trẻ quá được nuông chiều như không chơi với ai, thích một mình, quậy phá, la hét khi có ai đụng vào người, không sợ độ cao, không sợ nguy hiểm, chỉ chơi với một bộ phận nào đó của đồ chơi thay vì toàn bộ món đồ chơi, có thể làm những việc gây chết người mà người mang chứng bệnh này không biết… tiến triển của chứng TK là rất nguy hại cho xã hội.

Nguyên nhân của bệnh TK đến nay vẫn chưa xác định một cách rõ rệt, chúng có thể là do gen, do vi trùng, môi trường sống độc hại, thức ăn độc hại, chế phẩm độc hại… tác động đến não, cũng có thể do người mẹ có bệnh tiểu đường, nghiện rượu trước và trong thời kỳ mang thai. Người ta còn xem chứng bệnh này là chứng bệnh của các nước công nghiệp. Dù chưa tìm được nguyên nhân chính yếu, nhưng thực tế số người mắc bệnh TK tăng một cách đáng kinh ngạc từ những năm 1980, ít nhất là phần thấy được trong thực tế chẩn đoán.

Trước đây do không biết nên chúng ta thường đối xử với trẻ TK như những bệnh nhân tâm thần phân liệt (nhốt ở nhà hoặc đưa vô trại tâm thần), nhưng giờ đây nếu sớm phát hiện thì khả năng phục hồi rất tốt. Điều trị cho trẻ TK là làm cách nào để gia tăng khả năng giao tiếp và hòa nhập cho các em. Ở các nước phương Tây, người ta không gọi TK là bệnh mà chỉ gọi là hội chứng TK. Nhưng ở nước ta thì vấn đề này còn chưa được nhìn nhận một cách thỏa đáng đã làm cho công tác quan tâm chữa trị cho trẻ gặp khó khăn. Thêm vào đó, các bậc cha mẹ đôi khi không chấp nhận được chứng bệnh này nếu chúng liên quan đến con cái của mình hoặc có tâm lý xấu hổ khi có con TK nên cố tình giấu giếm không đưa con đi điều trị. Cũng có khi cha mẹ lo làm ăn mà không dành thời gian điều trị cho trẻ.

Có thể nói, bệnh TK tác hại không nhỏ đến cuộc sống của gia đình và xã hội nhưng việc phòng ngừa là rất khó. Phương pháp chủ yếu là tìm cách điều trị. Nếu trẻ được phát hiện sớm và đưa đi điều trị từ lúc 2 - 5 tuổi thì kết quả sẽ rất mau, chỉ 4 - 5 tháng là có thể nói được, trẻ lớn tuổi hơn thì rất khó điều trị và nguy cơ tái lại bệnh.

Quan tâm đến trẻ TK là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng xã hội, cần sớm phát hiện và cho trẻ đi điều trị càng sớm càng tốt. “Khi trẻ có những biểu hiện khác lạ cha mẹ cần đưa con đến các khoa tâm lý, trường chuyên biệt uy tín dành cho trẻ TK để sớm được tư vấn hướng điều trị phù hợp để giúp trẻ sớm trở lại cuộc sống bình thường như bao trẻ con khác”, tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm khuyên.

NGỌC TRINH