Phòng ngừa cháy, nổ trong cao điểm mùa khô - Bài 1

Thứ năm, ngày 28/03/2024

(BDO) Bài 1: Kéo giảm nguy cơ cháy, nổ tại chợ truyền thống

Hiện đang là cao điểm mùa khô nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Trước thực trạng này, việc nâng cao ý thức, tập huấn kỹ năng của người dân cũng như tiểu thương ở các chợ truyền thống trước “giặc lửa” là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, qua ghi nhận của P.V, bên cạnh một số địa phương chú trọng công tác này, một số nơi còn lơ là, chủ quan…


Tiểu thương chợ Tân Phước Khánh bày hàng hóa tràn ra lối đi, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như công tác PCCC

Nguy cơ xảy ra cháy

Rảo quanh một số chợ truyền thống ở TP.Tân Uyên, TP.Thuận An, TP.Dĩ An… P.V ghi nhận công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) của tiểu thương có sự khác nhau, tuy nhiên nhiều người cho biết đã được địa phương tuyên truyền nên luôn cảnh giác trước “giặc lửa”.

Theo ghi nhận của P.V, chợ Tân Phước Khánh ở phường Tân Phước Khánh (TP.Tân Uyên) đã có nhiều năm nay, cơ sở hạ tầng tại đây có dấu hiệu xuống cấp và hệ thống dây điện được tiểu thương đấu nối chằng chịt. Tiểu thương hai bên tuyến đường song song vào chợ thì trưng bày hàng hóa tràn ra đường, chiếm luôn cả lối đi. Việc này có nguy cơ xảy ra cháy cao; nếu hỏa hoạn tại chợ sẽ gây khó khăn cho xe chữa cháy chuyên dụng di chuyển dập lửa.

Tương tự, chợ Búng, phường An Thạnh (TP.Thuận An) được đầu tư xây dựng khang trang hơn và đưa vào sử dụng vào năm 2000. Hiện nay, có hàng chục hộ dân nhà dọc theo nhiều trục đường vào khu chợ Búng trưng bày hàng hóa ngay dưới lòng đường gây cản trở giao thông. Hàng chục tiểu thương “biến” lòng đường, vỉa hè của nhiều trục đường tại khu chợ Búng thành điểm tập kết, trưng bày hàng hóa dễ cháy như hàng hóa mây tre, đồ nhựa, giấy… Trong khi đó, hệ thống dây dẫn điện xen lẫn với hàng hóa chất trên vệ đường.

Trao đổi với P.V, một số người dân cho rằng để phòng ngừa xảy ra cháy, nổ tại khu vực chợ Búng, ngành chức năng địa phương cần khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC; song song với việc tuyên truyền, tập huấn về PCCC thì cần có giải pháp đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm PCCC.


Dây điện chằng chịt tại một quầy hàng chợ Tân Phước Khánh có nguy cơ xảy ra chập điện

Tiếp tục phòng ngừa “bà hỏa”

Qua trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An, cho biết vấn đề mà P.V phản ánh khu vực chợ Búng ẩn chứa nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong mùa khô, trước đó địa phương đã nhìn thấy. Để phòng ngừa xảy ra hỏa hoạn tại khu vực chợ Búng, hiện nay TP.Thuận An đã lên kế hoạch và triển khai đồng bộ các biện pháp PCCC tại khu vực chợ.

Cụ thể là lãnh đạo TP.Thuận An chỉ đạo cho chính quyền phường An Thạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác PCCC, lập nhiều Tổ liên gia PCCC tại khu vực chợ. Song song đó, địa phương yêu cầu các tiểu thương tự trang bị bình chữa cháy và ký cam kết xếp hàng ngay ngắn, không chiếm dụng lối đi gây ảnh hưởng đến công tác PCCC. “Về lâu về dài, TP.Thuận An sẽ di dời, bố trí cho các hộ dân nằm ngoài khu vực chợ đến buôn bán kinh doanh tại vị trí thích hợp. Thời gian tới, địa phương sẽ nâng cấp chợ Búng, đầu tư xây dựng hệ thống chữa cháy tự động trong chợ”, ông Nguyễn Thành Úy cho biết.

Trong khi đó, ông Thượng Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, cho biết khu vực chợ truyền thống Tân Phước Khánh có 200 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Hiện nay, cơ sở hạ tầng tại chợ đã xuống cấp. Chợ này thuộc quản lý của một doanh nghiệp. Qua công tác tuyên truyền, vận động, hiện chủ doanh nghiệp đã lên kế hoạch xây dựng mới chợ thành trung tâm thương mại.

Cũng theo lãnh đạo UBND phường Tân Phước Khánh, để trật tự đô thị tại khu vực chợ Tân Phước Khánh được bảo đảm, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền, ra quân xử lý các trường hợp họp chợ trên đường. Để hàng chục hộ dân có nhà cạnh chợ hưởng ứng, chấp hành việc PCCC, địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn PCCC, yêu cầu tiểu thương mua sắm bình chữa cháy. Nếu xảy ra hỏa hoạn thì cùng nhau dập tắt đám cháy vừa mới phát sinh.

Trong khi đó, ông Võ Tường Văn, Chủ tịch UBND phường Dĩ An (TP.Dĩ An), cho biết để phòng ngừa hỏa hoạn chợ truyền thống Dĩ An, chính quyền địa phương phối hợp với Công an TP.Dĩ An thường xuyên tổ chức tập huấn chữa cháy cho các tiểu thương ở chợ. “Từ thông tin P.V phản ánh về việc tại chợ truyền thống Dĩ An tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong mùa khô năm nay, thời gian tới, cán bộ chức năng địa phương sẽ tổ chức kiểm tra, yêu cầu tiểu thương chấp hành nghiêm việc PCCC, chấn chỉnh lại việc trưng bày hàng hóa theo quy định”, ông Võ Tường Văn cho biết thêm. (còn tiếp)


Một buổi diễn tập PCCC theo tình huống giả định được lực lượng Cảnh sát PCCC Công an TP.Thuận An phối hợp tổ chức tại khu vực xung quanh chợ Lái Thiêu (phường Lái Thiêu, TP.Thuận An). Ảnh: TÂM TRANG

Tính đến nay, toàn tỉnh có 98 chợ đang hoạt động (67 chợ ở khu vực đô thị, 31 chợ ở khu vực nông thôn), trong đó có 2 chợ hạng 1; 15 chợ hạng 2 và 81 chợ hạng 3. TP.Thuận An có số chợ nhiều nhất với 22 chợ, địa bàn có số chợ ít nhất là huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo với 7 chợ. Thời gian qua, công tác PCCC ở một số chợ đã được quan tâm đúng mức, các buổi tập huấn, trang bị kỹ năng PCCC cũng như sử dụng các trang thiết bị chữa cháy được tổ chức thường xuyên. Đáng chú ý là tại một số chợ cũng như quanh khu vực chợ đã thành lập các Tổ liên gia PCCC, Điểm chữa cháy công cộng, qua đó giúp công tác phát hiện, xử lý sự cố cháy ngay từ đầu hiệu quả hơn.

THANH QUANG