Phòng ngừa bạo lực học đường: Tăng cường tuyên truyền để học sinh nhận thức “đúng - sai”
(BDO) Để giải quyết tình trạng bạo lực học đường, các cơ quan chức năng cũng như nhà trường, gia đình cần những giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn nữa để từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, giúp các em biết hành động như vậy là sai.
Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký phối hợp Chi đoàn Tòa án nhân dân TP.Thủ Dầu Một và Công ty Luật Becamex Lawfirm tổ chức phiên tòa giả định cho các em học sinh khối lớp 11 và 12 của trường
Mới đây, mạng xã hội chia sẻ video ghi lại cảnh nhóm thiếu niên hơn 10 người bao vây để cho 3-4 em đánh một nữ sinh. Mặc dù nạn nhân liên tục cầu xin nhưng nhóm này không dừng tay, thậm chí có những lời lẽ đe dọa và hành vi khiêu khích.
Ngay khi video được lan truyền, các ngành chức năng xác minh sự việc trên xảy ra trên địa bàn phường Bình Nhâm (TP.Thuận An). Nữ sinh bị đánh là một học sinh (HS) của trường THCS trên địa bàn phường Lái Thiêu. Theo điều tra ban đầu, nguyên nhân nữ sinh trên có xảy ra mâu thuẫn với nhóm thanh thiếu niên về việc “nói xấu nhau”.
Đây không phải là vụ việc bạo lực học đường (BLHĐ) duy nhất xảy ra trong năm nay trên địa bàn TP.Thuận An. Trước đó, cũng trong tháng 4 mạng xã hội chia sẻ video ghi lại cảnh một HS của Trường THCS Bình Chuẩn bị một cô gái dùng nón bảo hiểm đánh liên tiếp vào đầu.
Theo ghi nhận, những năm gần đây, tình trạng BLHĐ ngày càng gia tăng cả về số lượng cũng như mức độ nguy hiểm. Để hạn chế tình trạng này, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã phối hợp và tổ chức các hoạt động thiết thực dành cho HS. Một trong những hình thức được tổ chức thu hút nhiều HS tham gia là các phiên tòa giả định. Thời gian qua, Khoa Luật học của Trường Đại học Bình Dương phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều phiên tòa giả định về vấn đề BLHĐ nhằm đưa pháp luật đến gần hơn với HS. Theo Tiến sĩ - Luật sư Phan Thông Anh, Trưởng khoa Luật học, Trường Đại học Bình Dương, dù là phiên tòa giả định nhưng đều lấy các nội dung từ các vụ án thực tế, qua đó giúp các em HS hiểu thêm về diễn biến tại một phiên tòa cũng như quy định của pháp luật. Vì thế các phiên tòa đều thu hút đông đảo HS tham gia.
Nhiều hình thức tuyên truyền, đưa pháp luật đến với học sinh đã được các trường thực hiện
Ngoài hình thức tuyên truyền này, các trường còn thường xuyên tuyên truyền những nội dung liên quan đến BLHĐ cho HS thông qua việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp, chào cờ, lồng ghép vào các môn học. Đặc biệt, Diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với BLHĐ” bằng hình thức sân khấu hóa đã thu hút được sự quan tâm của HS.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Văn Nghệ (TP. Tân Uyên), cho biết BLHĐ là một trong những nội dung nhà trường tổ chức tuyên truyền theo định kỳ cho HS. Ngoài ra, trường còn đẩy mạnh công tác giáo dục về đạo đức, lối sống, giáo dục pháp luật cho HS thông qua các hoạt động ngoại khóa để các em hiểu rõ hơn về giá trị của tình bạn và nhận thức đúng về BLHĐ.
Có thể thấy rằng BLHĐ là vấn đề cần được phát hiện từ sớm để ngăn chặn. Một trong những yếu tố quan trọng để hạn chế là tuyên truyền để HS nhận thức đầy đủ, đúng đắn những hành vi nào là BLHĐ để giảm thiểu những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Muốn vậy cần phải có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác này.
TUỆ NHI