Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Giáo: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao
(BDO) Năm 2019, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) Phú Giáo luôn bám sát tham mưu đầy đủ, kịp thời cho Trưởng ban phân bổ các chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các xã, thị trấn. Đặc biệt là tham mưu UBND huyện Phú Giáo chuyển một phần ngân sách sang NHCSXH theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư… Xoay quanh về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương vừa có cuộc trao đổi với ông Phạm Quốc Du, Giám đốc PGD NHCSXH Phú Giáo.
Khách hàng đến giao dịch tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Phú Giáo
- Thưa ông, thực hiện chức năng và nhiệm vụ về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng khác, hiện nay PGD NHCSXH Phú Giáo đang triển khai thực hiện những chương trình, tín dụng chính sách nào trên địa bàn huyện Phú Giáo?
- Hiện nay, PGD NHCSXH Phú Giáo đang triển khai thực hiện những chương trình, tín dụng chính sách ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác qua các chương trình cho vay: Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; nước sạch vệ sinh môi trường; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhà ở xã hội theo Nghị định 100 của Chính phủ.
Với chức năng và nhiệm vụ chính là giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống. Vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
- Trong năm qua, để vận hành hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tỉnh, PGD NHCSXH Phú Giáo đã phối hợp như thế nào với những đơn vị ủy thác là các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn, thưa ông?
- Thực hiện theo Văn bản liên tịch số 141/VBLT-NHCS-HPN-HND-HCCB-ĐTNCSHCM ngày 24-12-2014 giữa PGD NHCSXH Phú Giáo với Hội Liên hiệp Phụ nữ (Hội Phụ nữ) huyện Phú Giáo, Hội Nông dân huyện Phú Giáo, Hội Cựu chiến binh (Hội CCB) huyện Phú Giáo và Đoàn Thanh niên huyện Phú Giáo về việc thực hiện ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. PGD NHCSXH Phú Giáo đã phối hợp với những đơn vị ủy thác như sau: Thực hiện tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi: thông qua lồng ghép ở các buổi sinh hoạt Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Chỉ đạo hội, đoàn thể cấp xã vận động việc thành lập Tổ TK&VV. Hội, đoàn thể cấp huyện đã chỉ đạo hội, đoàn thể cấp xã thành lập các Tổ TK&VV theo đúng quy chế hoạt động của Tổ TK&VV được ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 5-3-2013 của Hội đồng quản trị NHCSXH. Vận động, đôn đốc Ban quản lý Tổ TK&VV tham gia đầy đủ các phiên giao dịch…
Theo Văn bản liên tịch đã ký kết giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể cấp huyện; các hợp đồng ủy thác đã ký kết giữa NHCSXH và các hội, đoàn thể cấp xã và theo Văn bản số 3775/NHCS-KTNB ngày 27- 9-2016 của Tổng Giám đốc NHCSXH về việc kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác cho vay quy định. NHCSXH phối hợp với các đơn vị ủy thác thực hiện quản lý tốt các nguồn vốn tín dụng, công tác cho vay bảo đảm đúng đối tượng, đúng quy trình nghiệp vụ. Thực hiện tốt công tác giao dịch lưu động tại các điểm giao dịch xã, luôn chútrọng nâng cao chất lượng phục vụhộnghèo vàcác đối tượng chính sách; bảo đảm an toàn tài sản Nhànước.
- Trong thời gian qua có không ít hộ nghèo sau khi vay vốn của PGD NHCSXH Phú Giáo đã thoát nghèo. Để tiếp sức cho các hộ gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững, trong thời gian tới ngân hàng có giải pháp gì, thưa ông?
- Một trong những giải pháp trọng tâm thực hiện công tác giảm nghèo là tích cực tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi hỗ trợ về vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo đầu tư kinh doanh, buôn bán, sản xuất để có cơ sở thoát nghèo bền vững. Đáp ứng kịp thời vốn của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế hộ.
Đội ngũ cán bộ nhân viên ngân hàng tiếp tục tập huấn, phổ biến chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, vận động nhân dân tiếp cận các chính sách giảm nghèo, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm… Bên cạnh đó, ngân hàng còn có chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh trên địa bàn, giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, nhiều lao động thuộc diện nghèo đã có nghề, tìm được việc làm, có thu nhập ổn định.
- Được biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm theo hướng nâng mức vay ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm. PGD NHCSXH Phú Giáo đã triển khai nghị định này như thế nào để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, thưa ông?
- PGD NHCSXH Phú Giáo tổ chức các buổi tập huấn giữa ngân hàng và các đơn vị ủy thác, ban quản lý khu, ấp, cũng như ban quản lý tổ TK&VV. Cán bộ phụ trách địa bàn trực tiếp tham mưu, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc tại địa bàn cấp xã qua các buổi họp giao ban định kỳ hàng tháng. Tuyên truyền qua thông tin đại chúng: Loa đài, phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng xã hội...
- Xin cảm ơn ông!
TƯỜNG VY (thực hiện)