Phòng, chống tội phạm ma túy: Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn quyết liệt, từ sớm từ xa
(BDO) Chủ động phòng ngừa là một trong những nội dung chỉ đạo của Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW ngày 16-8-2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy (gọi tắt là Chỉ thị 36).
Lãnh đạo Công an tỉnh tặng giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Ảnh: NGỌC HÀ
Đấu tranh quyết liệt
Theo đánh giá, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 36, lực lượng Công an (CA) phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy (TPMT) trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy CA tỉnh, cho biết với quyết tâm “không đi sau tội phạm”, Đảng ủy CA tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và CA các địa phương làm tốt công tác nắm tình hình, quản lý chặt đối tượng nhằm chủ động phát hiện kịp thời hoạt động của TPMT để đấu tranh triệt xóa các đường dây, tụ điểm ma túy ngay từ cơ sở và vừa mới hình thành.
CA tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các Cục nghiệp vụ Bộ CA và CA các địa phương giáp ranh thực hiện tốt quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự (ANTT), nhằm tổ chức đấu tranh, bóc gỡ những đường dây ma túy hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia theo phương châm “không đánh phần ngọn, không đánh khúc giữa, không để lọt đối tượng chủ mưu, cầm đầu”. Từ năm 2020 đến tháng 6-2024, lực lượng CA tỉnh đã phát hiện, triệt xóa 3.063 vụ phạm pháp về ma túy, bắt hơn 5.890 đối tượng, thu giữ hơn 217kg ma túy các loại, cùng nhiều vũ khí.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, thống kê, quản lý người nghiện ma túy và sau cai nghiện được các đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện. Nói về công tác này, Thượng tá Nguyễn Văn Nghĩa, Phó trưởng CA TP.Thủ Dầu Một, cho biết đơn vị luôn quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm việc rà soát, thống kê, quản lý nhóm đối tượng này. Bên cạnh đó, TP.Thủ Dầu Một đã thành lập tổ cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng; vận động đối tượng nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện, tự điều trị bằng methadone tại cơ sở điều trị methadone của thành phố.
Tại TP.Tân Uyên, các địa phương hiện đang triển khai hiệu quả nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống TPMT và quản lý người nghiện tại cộng đồng. Đại diện CA TP.Tân Uyên cho biết thời gian qua, CA thành phố đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp TPMT. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và người chấp hành án phạt tù trở về địa phương. Các mô hình như: “Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ cắt cơn, giải độc tại cộng đồng”, Câu lạc bộ “Bạn đồng hành”… đang tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần hỗ trợ, giúp đỡ người sau cai nghiện, đối tượng “chậm tiến” tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn ma túy.
Không lơ là, chủ quan
Phát biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 36, Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc CA tỉnh, cho biết Bình Dương vẫn là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh TPMT, trong đó phải kể đến việc lợi dụng hoạt động kinh doanh để nhập trái phép tiền chất ma túy về tỉnh để đưa ra nước ngoài sản xuất chất ma túy. Nguy cơ tiếp theo là đối tượng lợi dụng kho, xưởng để trồng cây chứa chất ma túy và dự báo sẽ có khả năng xảy ra cao.
Theo Đại tá Trần Văn Chính, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những nguy cơ làm phức tạp TPMT, CA tỉnh tiếp tục chủ trì tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện TPMT “từ sớm, từ xa”, tuyệt đối không để TPMT lợi dụng địa bàn Bình Dương để hoạt động. Đối với CA cấp xã, tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền cùng cấp tăng cường công tác phòng, chống TPMT, trong đó trọng tâm là rà soát, đưa người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy đi cai nghiện bắt buộc.
CA từ tỉnh đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng, chống TPMT, trong đó chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tập trung vào nhóm đối tượng có nguy cơ cao như học sinh, sinh viên, công nhân lao động. Đồng thời, các địa phương kết hợp phong trào xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư không có tệ nạn ma túy, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác hướng tới mục tiêu loại trừ ma túy ra khỏi đời sống xã hội.
Đối với công tác tấn công TPMT, Đại tá Trần Văn Chính đề nghị lực lượng CA chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh với TPMT theo hướng mở rộng triệt xóa toàn bộ đường dây, “không đánh phần ngọn, không đánh khúc giữa”, làm rõ nguồn cung, đối tượng cầm đầu, chứa chấp, tổ chức sử dụng, mua bán trái phép chất ma túy… Lực lượng CA tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm soát hoạt động liên quan đến chất ma túy; thực hiện đồng bộ các giải pháp triệt xóa tụ điểm, địa bàn phức tạp về ma túy, nhất là cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT. Các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ trong công tác điều tra xét xử tội phạm ma túy, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm…
Thời điểm trước khi Chỉ thị 36-CT/TW ban hành, Bình Dương có 3.075 người nghiện ma túy (thống kê đến tháng 6-2019). Thực hiện chỉthị, hàng năm Đảng ủyCA tỉnh đều phối hợp vớicác đơn vị liên quan thựchiện công tác rà soát,thống kê, quản lý ngườinghiện ma túy; trong đóđã ban hành 4 kế hoạchchuyên đề về công tácnày để triển khai đếntận CA cấp xã. Qua đó,số lượng đối tượng matúy trên địa bàn tỉnh cósự chuyển biến tích cực.Cụ thể tính đến tháng6-2024, toàn tỉnh có2.625 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và 305 người quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 5 xã không có tệ nạn ma túy, gồm: Phước Sang, An Long (huyện Phú Giáo); Long Tân (huyện Dầu Tiếng); Cây Trường (huyện Bàu Bàng) và Thạnh Hội (TP.Tân Uyên). |
NGUYỄN HẬU