Phòng, chống tham nhũng: Tiêu trừ cái xấu, tạo những nhân tố tích cực

Thứ bảy, ngày 02/07/2022

(BDO)

Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 lần đầu tiên được Bộ Chính trị tổ chức đã nhận được sự quan tâm theo dõi và ý kiến đồng tình từ cán bộ, đảng viên và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng nguyện vọng, sự mong đợi của nhân dân

Ông Dương Đình Bá, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh, một đảng viên gần 60 năm tuổi Đảng ở phường 8, quận Phú Nhuận tâm đắc cho biết nhân dân, cán bộ hưu trí, đảng viên trên cả nước hết sức phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương, của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu.

Có thể nói, chưa bao giờ đất nước chúng ta có được cơ đồ như ngày hôm nay - như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Người dân mong đợi Đảng, Nhà nước thực hiện thật tốt phương châm phòng, chống tham nhũng, bảo vệ những kết quả, thành tựu cách mạng mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đạt được trong suốt những năm qua.

Những kết quả được trình bày tại Hội nghị cho thấy Đảng đã làm đúng sự mong đợi và ý nguyện của nhân dân. Người dân mong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt những thành quả to lớn hơn, đúng với những chỉ đạo mà Tổng Bí thư đã nêu ra trong buổi khai mạc hội nghị.

“Những đảng viên, cán bộ hưu trí như chúng tôi hết sức phấn khởi, tin tưởng khi thấy Đảng nói đi đôi với làm, tức là dù người đó là ai, trước đây ở cương vị nào nhưng khi có tội thì đều bị xử lý, dù rằng họ có công lao thế nào. Điều đó thể hiện sự quyết liệt và tính công minh, giống như lời Tổng Bí thư đã nói chúng ta chống tham nhũng, tiêu cực một cách hợp tình, hợp lý, rất nhân văn, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư, sự mong đợi của nhân dân," ông Dương Đình Bá chia sẻ.

Theo ông Phùng Công Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một mục tiêu lớn, đúng đắn, được Đảng ta đề ra và thực hiện từ lâu.

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Thực tiễn cho thấy đây là một việc làm đầy nhạy cảm, tế nhị và vô cùng khó khăn, phức tạp, tuy nhiên với quyết tâm của Đảng, sự đồng bộ của hệ thống chính trị, 10 năm qua, Đảng ta rất quyết liệt trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Những kết quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.

Ông Phùng Công Dũng chia sẻ: "Là một cán bộ, đảng viên, tôi mong muốn Đảng ta tiếp tục triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Phải kỷ luật những cán bộ, đảng viên vi phạm là một việc làm đau xót, nhưng đó là việc phải làm, bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, đó là cuộc đấu tranh với 'giặc nội xâm' và 'không để con sâu làm rầu nồi canh.'"

Có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kết nối với đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài, ông Phùng Công Dũng cho rằng kết quả công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta trong 10 năm qua đã từng bước củng cố thêm niềm tin của nhân dân, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài đối với Đảng, Nhà nước.

Sự quyết liệt và hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta không chỉ tiêu trừ đi cái xấu mà còn góp phần tạo nên những nhân tố mới, những nhân tố tích cực. Hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực góp phần giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, của hệ thống chính trị; củng cố và nâng cao niềm tin yêu, đồng thuận không chỉ trong Đảng, nhân dân trong nước mà cả cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Nâng cao hiệu quả công tác cán bộ là vô cùng cần thiết

Theo dõi Hội nghị, Thiếu tá Phan Quốc Thiều, Giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh rất tâm đắc và đồng tình với những lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác xây dựng Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng chính nhờ làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Chống tham nhũng cũng góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, bác bỏ mọi luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là đấu đá nội bộ, phe cánh.

Thiếu tá Phan Quốc Thiều nêu ý kiến, hơn lúc nào hết, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Để công cuộc phòng, chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy chính trị, đội ngũ cán bộ ngày càng hiệu quả thì cần có các giải pháp cụ thể như kịp thời chấn chỉnh, đổi mới phương pháp xây dựng đội ngũ cán bộ thông qua đổi mới công tác cán bộ theo hướng đồng bộ, liên thông, nhất quán trong hệ thống chính trị và phù hợp với thực tế.

Đồng thời, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ràng buộc trách nhiệm và kiểm soát chặt chẽ quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo; bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đóng góp thêm về giải pháp trong công tác cán bộ, Thiếu tá Phan Quốc Thiều cho rằng cần tập trung xây dựng quan điểm, phương pháp và nội dung tiêu chí đánh giá cán bộ thật sự khoa học; đánh giá phải toàn diện, công tâm, khách quan và dân chủ; quan tâm công tác đào tạo, kết hợp giữa đào tạo khoa học tri thức với đào tạo đạo đức, tư tưởng; giữa đào tạo lý luận với đào tạo thực tiễn nhằm nâng cao trình độ, năng lực, uy tín cho đội ngũ cán bộ các cấp.

Song song với đó, cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, quy hoạch, luân chuyển và bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, bầu cử cán bộ. Đặc biệt, đối với cán bộ giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý cần xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp văn hóa ứng xử của cán bộ; hoàn thiện các quy định về cách chức, bãi nhiệm, miễn nhiệm để việc “có lên, có xuống," “có vào, có ra” trở thành bình thường trong công tác cán bộ.

Thiếu tá Phan Quốc Thiều nói thêm cũng cần quan tâm tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra ở các cấp, các ngành, các địa phương, qua đó đánh giá, trình độ năng lực của các cá nhân có trách nhiệm liên quan; kiên quyết xử lý kỷ luật những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao, vi phạm đạo đức chính trị; loại bỏ những cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra trong tình hình hiện nay./.

Theo TTXVN