Phòng chống tác hại thuốc lá tại Bình Dương giai đoạn 2021-2022: Kết quả và thách thức

Thứ hai, ngày 12/09/2022

(BDO) Bình Dương là một tỉnh phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước, với hơn 2,5 triệu dân trong đó 60% dân số là người trong độ tuổi lao động, lực lượng nam giới chiếm đến gần 1,5 triệu dân. Tốc độ phát triển kinh tế nhanh đi cùng với áp lực cuộc sống nên rất nhiều người sử dụng thuốc lá như một cách giải tỏa căng thẳng, đặc biệt là người trẻ. Mặt khác nhiều cha mẹ bận rộn làm việc ít quan tâm, một số thanh, thiếu niên có xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng nhiều.  

 Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tập huấn tuyên truyền phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ đoàn huyện, thị, thành phố

Trong bối cảnh đó, ngành y tế tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC tỉnh)  trong những năm qua luôn phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện các mô hình điểm “Trường học không khói thuốc lá”. Thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề nhằm cung cấp các kiến thức về tác hại của thuốc lá và những quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đối với đối tượng học sinh, sinh viên. Thống kê trong toàn tỉnh, trung bình mỗi năm, CDC tỉnh đã truyền thông được cho hơn 1.000 thanh, thiếu niên. CDC tỉnh còn phối hợp với Tỉnh đoàn tổ chức tập huấn cho hơn 600 cán bộ đoàn trên địa bàn tỉnh về công tác PCTHTL và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc lá. Đặc biệt, CDC tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Tuần lễ không khói thuốc lá từ ngày 25 đến ngày 31-5 bằng nhiều hình thức như: treo băng rôn, phát thanh trên loa đài tại 91 xã, phường, thị trấn; mít ting cổ động; phối hợp Báo Bình Dương, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh thực hiện chuỗi sự kiện truyền thông về tác hại của thuốc lá đến đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh những thành quả đáng khích lệ, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới cán bộ thực hiện công tác PCTHTL còn mỏng, kiêm nhiệm quá nhiều công việc. Hơn nữa, công tác phối hợp giữa các ngành để tổ chức kiểm tra, giám sát các quy định của Luật PCTHTL chưa được chặt chẽ. Việc buôn bán thuốc lá khó kiểm soát, đặc biệt là thuốc lá điện tử. Tại các địa điểm cấm hút thuốc hoàn toàn (bệnh viện, trong vòng bán kính 100m xung quanh trường học, địa điểm vui chơi giải trí dành riêng cho trẻ em…) chưa được người dân chấp hành nghiêm túc, trong khi đó lực lượng kiểm tra, xử phạt còn mỏng.

Tác hại của thuốc lá là hiện hữu, tuy nhiên để người dân đặc biệt giới trẻ nhận thức đầy đủ và hạn chế sử dụng thuốc lá là cả một quá trình dài, cần sự quan tâm vào cuộc của cả cộng đồng và xã hội.

QUỲNH TRANG- HOÀNG LINH