Phòng chống suy sinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi: Thành quả 10 năm

Thứ hai, ngày 17/01/2011

Phòng chống suy sinh dưỡng (PCSDD) cho trẻ dưới 5 tuổi nằm trong Chiến lược PCSDD giai đoạn 2001-2010 được triển khai từ những năm 1998. Với giải pháp nâng cao thông tin giáo dục truyền thông và tuyên truyền vận động cung cấp thông tin, kiến thức cho cộng đồng dân cư được xem là giải pháp hàng đầu đã giúp cho chương trình đạt hiệu quả cao.

Cán bộ y tế hướng dẫn các bậc phụ huynh thực hành nồi cháo dinh dưỡng cho trẻ

Theo mục tiêu đề ra, đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg giảm dưới 4,5%; tỷ lệ trẻ SDD cân nặng theo tuổi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 16%; tỷ lệ SDD chiều cao theo tuổi là 23%... Bác sĩ Văn Quang Tân, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, để đạt hiệu quả, chương trình được triển khai đồng bộ ở tất cả các xã, phường; mạng lưới cộng tác viên dinh dưỡng ngày càng lớn về số lượng lẫn chất lượng. Từ năm 2004, bổ sung thêm cán bộ chuyên trách cộng đồng để hỗ trợ cho cán bộ chuyên trách xã, phường giám sát các hoạt động tại cộng đồng và cộng tác viên. Ngoài ra, còn triển khai mô hình điểm bằng cách phối hợp các ban ngành triển khai chương trình. Chẳng hạn, phối hợp với Hội Nông dân triển khai mô hình VAC, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành lập Câu lạc bộ Nhà trọ PCSDD cho trẻ dưới 5 tuổi ở các xã khu công nghiệp, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tập huấn dinh dưỡng cho các trường ngoài công lập. Ngoài ra, các ngành còn thường xuyên tổ chức các hội thi nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hiện chương trình, thực hành DD đúng phương pháp khoa học cho cán bộ chuyên trách, ông bà cha mẹ và người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ đã tạo không khí, phong trào thi đua PCSDD trong cộng đồng. Để làm tốt công tác chăm sóc và theo dõi trẻ, tỉnh còn cấp 1.140 cân để theo dõi cân nặng của trẻ; cấp trên 622.300 tài liệu tuyên truyền; cấp bếp gas để thực hành dinh dưỡng, trình diễn bữa ăn cho trẻ, cấp sữa, bột cóc... Chị Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cho biết, thời gian qua, công tác phối hợp giữa ngành y tế và hội về PCSDD cho trẻ dưới 5 tuổi được thực hiện khá tốt. Hàng năm, đều có tổ chức các hội thảo chuyên đề về DD cho cán bộ hội; tổ chức các hội thi, giao lưu ông cha bà mẹ nuôi con theo phương pháp khoa học, thực hiện nồi cháo DD và ly sữa hột gà cho các cháu trong cụm dân cư... Đặc biệt vận động phụ nữ có thai, phụ nữ có con từ 0 - 5 tuổi trong công nhân lao động ở các khu nhà trọ tham gia Câu lạc bộ PCSDD.

Với những nổ lực của các ngành, PCSDD cho trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh đạt kết quả tốt. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ trẻ sơ sinh cân nặng dưới 2,5kg giảm còn 4,13%, trong khi cả nước là 6%; tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi giảm còn 14%, cả nước là 20%.

Mặc dù đạt được nhiều thành tích nhưng PCSDD ở trẻ dưới 5 tuổi vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức. Bác sĩ Huỳnh Văn Nhị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình mục tiêu PCSDD  tỉnh, chỉ ra những hạn chế để có giải pháp tích cực góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, đó là giảm SDD thể thấp còi, cải thiện chiều cao trẻ em; can thiệp phục hồi SDD cho trẻ bị SDD nặng; PC thừa cân béo phì...

Thách thức này có nhiều nguyên nhân, kiến thức dinh dưỡng và thực hành dinh dưỡng của các bậc cha mẹ chưa đồng đều, nhiều bậc cha mẹ không có điều kiện chăm sóc con cái nhất là trong nhóm lao động nghèo, tại các khu công nghiệp, các vùng xa của huyện Phú Giáo, Bến Cát, Tân Uyên... Sức ép tăng dân số cơ học từ di dân của công nhân lao động vào Bình Dương là một thách thức cho công tác quản lý, tuyên truyền về DD. Trong khi đó, tỷ lệ sinh con dưới 2,5kg chưa thật sự ổn định, nhất là phụ nữ tuổi sinh đẻ ngày một tăng chủ yếu là lực lượng công nhân lao động với điều kiện sống, làm việc chưa tốt, DD chưa bảo đảm tốt cho sức khỏe nên tỷ lệ sinh non, sinh con nhẹ cân còn khả năng biến động cao.

Theo đó, một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là tăng cường công tác thông tin giáo dục tuyên truyền, vận động để cộng đồng cùng quan tâm, thay đổi cách chăm sóc truyền thống của các bậc cha mẹ; vận động từ gia đình, khu phố tự nguyện tham gia các hoạt động PCSDD, biết và thực hiện chăm sóc, theo dõi SDD của con em mình nhằm phát hiện sớm và phòng ngừa SDD.

THU THẢO