Phòng, chống sốt xuất huyết: Vaccine chưa phải là vũ khí tối thượng
(BDO) Mới đây, Bộ Y tế đã chính thức cấp phép lưu hành vaccine Qdenga – vaccine sốt xuất huyết đầu tiên tại Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, đây là tín hiệu đáng mừng trong công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại nước ta.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vaccine chưa phải là vũ khí tối thượng để kiểm soát tốt dịch bệnh sốt xuất huyết mà cần song hành nhiều biện pháp toàn diện.
Công tác kiểm tra, theo dõi nhiệt độ bảo quản vaccine được thực hiện nghiêm túc, liên tục.
Những khoảng lặng trong phòng, chống sốt xuất huyết
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh sốt xuất huyết. Hàng năm, khu vực phía Nam có hàng chục ngàn ca mắc sốt xuất huyết và hàng chục ca tử vong. Các bệnh viện tuyến cuối của Thành phố Hồ Chí Minh như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố hàng năm cũng tiếp nhận hàng ngàn người bệnh, trong đó khoảng 60% bệnh nhân sốt xuất huyết từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam chuyển đến, trong đó có nhiều ca nặng. Điều này tạo ra áp lực không nhỏ lên hệ thống y tế của Thành phố.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, với số ca mắc sốt xuất huyết không ngừng gia tăng mỗi năm đã gây ra áp lực, sự quá tải đối với các bệnh viện và hệ thống y tế, dẫn đến thiếu nguồn nhân lực để chăm sóc và điều trị đúng. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng cho biết thêm, lứa tuổi bị sốt xuất huyết Dengue nhiều nhất vẫn là học sinh, người trẻ trong độ tuổi lao động. Ngoài chi phí điều trị không nhỏ, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của bệnh nhân, cộng đồng và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội.
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang, Trưởng Khoa Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận xét, kể từ khi sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đẩy mạnh công tác giáo dục và truyền thông cho người dân về phòng, chống dịch bệnh.
Tuy nhiên, thực tế công tác phòng, chống dịch ở tuyến cơ sở gặp nhiều khó khăn, thách thức do nguồn lực có những hạn chế nhất định. Ở tuyến cơ sở, nhân viên y tế mỏng nhưng vừa phải trực tiếp triển khai các hoạt động chuyên môn, vừa phải tham mưu cho chính quyền cơ sở và tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân. Khối lượng công việc nhiều, dịch bệnh diễn tiến khó lường, khi xảy ra dịch thì trở tay không kịp.
Thực tế, hầu hết các Trạm Y tế chỉ có một cán bộ chuyên trách phụ trách về hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết, đồng thời kiêm phụ trách nhiều chương trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác nên thường xuyên quá tải công việc, nhất là vào mùa mưa khi số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao.
“Một khó khăn khác là thiếu sự chia sẻ của cộng đồng và xã hội đối với công việc phòng bệnh sốt xuất huyết. Dù đã 25 năm kể từ khi hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết được đưa vào chương trình mục tiêu quốc gia, nhưng vẫn còn những khoảng lặng khi người dân, ban ngành đoàn thể vẫn còn mang tâm lý việc kiểm soát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết là trách nhiệm của ngành Y tế. Trong khi thực tế, ổ lăng quăng xuất phát từ chính nơi người dân sinh sống, làm việc và học tập”, Thạc sĩ Lương Chấn Quang đánh giá.
Cần các giải pháp phòng, chống toàn diện
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), trong tuần 20 (từ 13/5 đến 19/5) trên địa bàn ghi nhận 137 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 6% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 20 là 3.251 ca.
Theo HCDC, tuần 20 là tuần đầu tiên số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn trung bình so với 4 tuần trước. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam đã bắt đầu xuất hiện những cơn mưa đầu mùa. Đây là môi trường thuận lợi để muỗi vằn – tác nhân truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển. Dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục gia tăng trên diện rộng, nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Trong bối cảnh đó, mới đây, Bộ Y tế phê duyệt vaccine Qdenga - vaccine phòng sốt xuất huyết đầu tiên được phép lưu hành tại Việt Nam. Vaccine này đã được phê duyệt ở hơn 30 quốc gia, bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Brazil, Argentina, Indonesia, Thái Lan, Malaysia…
Theo thông tin của nhà sản xuất, vaccine Qdenga có thể bảo vệ chống lại cả 4 type huyết thanh của virus Dengue, được chỉ định để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết ở người từ 4 tuổi trở lên, đặc biệt ở những khu vực có bệnh sốt xuất huyết lưu hành mà không cần xét nghiệm để xác định tình trạng nhiễm hay không nhiễm với siêu vi Dengue trước đó.
Hiệu lực lâm sàng của Qdenga đã được đánh giá qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 3, mù đôi, ngẫu nhiên đối chứng với giả dược được thực hiện tại nhiều quốc gia là trên 80% và thời gian bảo vệ lên đến 4,5 năm sau liều thứ 2. Tuy nhiên, liều nhắc lại để tăng cường miễn dịch chưa được khuyến cáo. Sau khi tiêm, một số người có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ.
Thạc sĩ, bác sĩ Lương Chấn Quang nhìn nhận, việc cấp phép, lưu hành vaccine đồng nghĩa với việc có thêm 1 giải pháp hiệu quả hỗ trợ phòng, chống sốt xuất huyết và người dân có cơ hội được tiếp cận vaccine cùng với thế giới. Thạc sĩ Lương Chấn Quang cho rằng: “Vaccine sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh và nhất là giảm nguy cơ bị nặng, tức là nếu bị mắc bệnh sau tiêm vaccine thì tình trạng bệnh sẽ nhẹ. Tuy nhiên, vaccine mới bắt đầu được lưu hành thì tỷ lệ bao phủ vaccine không được rộng khắp như mong đợi, khả năng phòng bệnh trong giai đoạn đầu chưa cao”.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, đối với các bệnh truyền nhiễm, vaccine là vũ khí hữu hiệu giúp phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh, giảm gánh nặng do bệnh tật gây ra. Bác sĩ Trương Hữu Khanh nêu dẫn chứng, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, thủy đậu, uốn ván… đã giảm đáng kể hậu quả kể từ khi có vaccine.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vaccine đã được thẩm định, đánh giá về hiệu quả trong việc làm giảm triệu chứng, giảm nguy cơ chuyển nặng và nhập viện cho bệnh nhân sốt xuất huyết và đặc biệt là độ an toàn cho người dùng. Đây là điều rất có ý nghĩa trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Tuy nhiên, không chủ quan rằng đã tiêm vaccine thì không mắc bệnh và không cần phòng ngừa nữa. Chúng ta vẫn phải thực hiện tốt việc kiểm soát vec-tơ truyền bệnh như diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy), làm tốt công tác truyền thông, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như khuyến cáo của ngành Y tế”, Phó Giáo sư Trần Đắc Phu khuyến cáo.
Các chuyên gia khác cũng cho rằng, vaccine chỉ là một phần của chiến lược tổng hợp để kiểm soát sốt xuất huyết, chưa thể là giải pháp thay thế. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia phải tích hợp với biện pháp kiểm soát véc-tơ hiện tại nhằm tối ưu hóa hiệu quả của vaccine.
Thực tế, các quốc gia trong khu vực như Indonesia, Thái lan dù đã cấp phép sử dụng vaccine vẫn đang phải áp dụng giải pháp toàn diện, tổng hợp trong phòng, chống sốt xuất huyết. “Có vaccine vẫn phải duy trì diệt lăng quăng và muỗi. Mỗi cá nhân sau tiêm vaccine cũng không được chủ quan, bỏ quên việc diệt lăng quăng và phòng tránh muỗi chích”, Thạc sĩ Lương Chấn Quang nhận định.
Theo TTXVN