Phòng, chống ngập úng: Đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước

Thứ sáu, ngày 19/07/2019

(BDO)

 Quốc lộ 13 đoạn qua TX.Thuận An bị ngập nặng sau cơn mưa kéo dài chiều tối ngày 16-7. Ảnh: PHƯƠNG LÊ

Đường trở thành… sông!

Sau cơn mưa lớn kéo dài từ chiều đến hơn 20 giờ đêm ngày 16-7, Quốc lộ 13 đoạn qua TX.Thuận An đã bị ngập nặng, ngập sâu, đường trở thành sông, khiến nhiều phương tiện giao thông không thể qua lại trên đoạn đường dài gần 3km. Riêng đoạn ngập kéo dài từ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đến cầu Ông Bố, đoạn từ cầu Phú Long đến cầu Vĩnh Bình giao thông bị tắc nghẽn trong nhiều giờ. Tình trạng phương tiện mắc kẹt nặng nhất là đoạn từ cầu Ông Bố đến Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND TX.Thuận An, cho biết tình hình ngập trên Quốc lộ 13 có nhiều điểm, nhưng điểm ngập nặng nhất là đoạn ngã tư cầu Ông Bố, do lượng nước lớn từ khu vực phường Bình Hòa, phường Lái Thiêu và Khu công nghiệp Việt Nam- Singapore đổ về, trong khi cống thoát từ khu vực Siêu thị Lotte Mart qua kênh tiêu của Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore chỉ có 2 cống nhỏ, khiến nước thoát chậm, tràn lên mặt đường gây ngập. TX.Thuận An đã đề nghị tỉnh mở rộng cống và kênh thoát nước để tiêu nước. Theo ông Tâm, muốn chống ngập triệt để tuyến đường nói trên cần sớm hoàn thành dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh thoát nước Khu công nghiệp Bình Hòa của tỉnh.

Trước đó, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư dự án đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh thoát nước Khu công nghiệp Bình Hòa. Dự án có 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đơn vị thi công đã triển khai nạo vét khơi thông, giai đoạn 2 có phương án nâng cầu Ông Bố nếu không bảo đảm lưu lượng thoát nước.

Khẩn trương hoàn thành các dự án thoát nước

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết trong những năm qua, tình trạng ngập nước cục bộ khi có mưa lớn kết hợp với triều cường thường xuyên xảy ra ở một số điểm, khu vực trên địa bàn tỉnh. Tình trạng này không những ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân mà còn cản trở, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Đặc biệt, các khu vực có tốc độ đô thị hóa cao của tỉnh như TP.Thủ Dầu Một, các TX.Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên số lượng điểm ngập ngày càng tăng.

Lý giải về nguyên nhân gây ngập trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, theo ông Tuấn, nguyên nhân khách quan là do tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, đặc biệt tập trung vào 5 đô thị phía nam của tỉnh làm giảm diện tích thoát nước, dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện hữu chưa theo kịp; các dự án đầu tư chưa được triển khai kịp thời, trong đó có hệ thống trục thoát nước chính và hệ thống thoát nước ven các trục đường. Bên cạnh đó, một số khu vực ven sông Sài Gòn, sông Đồng Nai có địa hình thấp, ảnh hưởng của mưa lớn bất thường kết hợp với đỉnh triều cao đã vượt mức cao độ nghiên cứu đầu tư các dự án thoát nước trước đây.

Cùng với đó, công tác nạo vét, duy tu sửa chữa hệ thống thoát nước chính và hệ thống thoát nước ven đường, khai thông dòng chảy, miệng hố ga chưa được ngành liên quan, địa phương tổ chức thường xuyên, định kỳ do hạn chế về nguồn kinh phí dẫn đến hệ thống kênh, mương, rạch, cống thoát nước ven đường bị thu hẹp công suất tiêu nước. Cùng với đó, tình trạng một số hộ dân xây dựng lấn chiếm kênh, mương, rạch trái phép, dùng bao tải bịt các vị trí thu nước (do sợ bị bốc mùi hay trào ngược nước); tình trạng vứt, xả rác bừa bãi thể hiện ý thức sử dụng công trình công cộng của một số tổ chức, cá nhân chưa cao, chưa lường trước được tác hại do bản thân gây ra nên dẫn đến khi trời mưa nước thoát không kịp, gây ngập úng cục bộ và lan tỏa ra khu vực rộng.

Để hạn chế tình trạng ngập trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh đang tăng cường công tác tuyên truyền vận động, nâng cao ý thức người dân và có biện pháp chế tài trong việc giữ gìn kênh, mương, rạch tự nhiên; xây dựng lấn chiếm kênh, mương, rạch trái phép; vứt, xả rác bừa bãi gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước; hạn chế bê tông hóa khu vực xung quanh công trình, nhà nhằm tạo các thảm xanh để tự ngấm nhằm giảm lưu lượng thoát nước đô thị. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ quan tâm xây dựng, cải tạo các hồ điều tiết nước kết hợp với hồ cảnh quan chứa nước để trữ nước khi mưa lớn hoặc triều cường nhằm giảm tải lưu lượng qua hệ thống thoát nước hiện hữu chưa đáp ứng khả năng tiêu thoát nước.

Cùng với các giải pháp nói trên, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định các đồ án quy hoạch xây dựng, các dự án giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dự án thoát nước; tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thoát nước chính đô thị phục vục tiêu thoát nước cho khu vực.

Theo thống kê, tính đến tháng 10-2018 trên địa bàn tỉnh có 106 điểm ngập trong lĩnh vực xây dựng. Trong lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 41 vùng ngập, trong đó có 45 điểm ngập cần xử lý triệt để thuộc thẩm quyền xử lý của UBND huyện, thị, thành phố, 16 điểm ngập thuộc thẩm quyền xử lý của sở, ban, ngành cấp tỉnh, 37 điểm ngập thuộc thẩm quyền xử lý của các chủ đầu tư BOT, 5 điểm ngập thuộc thẩm quyền xử lý của chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu trung tâm hành chính, khu dân cư.

PHƯƠNG LÊ

Từ khóa: