Phòng, chống ngập úng: Cần các giải pháp căn cơ, phù hợp với đặc điểm của địa phương
(BDO) Với sự phát triển công nghiệp khá nhanh, TX.Thuận An cũng như một số địa phương khác trong tỉnh phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, trong đó hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được những vấn đề về quy hoạch đô thị dẫn đến tình trạng ngập nước tại một số điểm nóng. Liên quan đến công tác chống ngập tại địa phương, TX.Thuận An đã tìm hiểu, phân tích kỹ nguyên nhân từng điểm ngập tồn tại và phát sinh mới, từ đó xây dựng kế hoạch xử lý lâu dài. Hiện tại, nhiều điểm ngập lớn trên địa bàn TX.Thuận An đã được khắc phục…
Ngập nước vì nhiều nguyên nhân
Chuyển mình từ cấp huyện lên thị xã, Thuận An nhanh chóng thích ứng và phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư. Tuy nhiên, do trước đây là huyện nên các công trình giao thông chỉ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ngoài đô thị, nhiều tuyến đường không tính đến việc xây dựng hệ thống thoát nước. Từ đó, những tuyến đường mới và cũ có sự không đồng bộ về hệ thống thoát nước. Nhiều tuyến đường hạ lưu không hoàn chỉnh nên dẫn đến tình trạng ngập nước như hiện nay. Thoát nước đô thị là một vấn đề cần thiết cho đô thị Thuận An hiện tại và tương lai.
Bên cạnh đó, với sự phát triển nhanh trong 10 năm gần đây đã làm diện tích đất xây dựng bị chia nhỏ, không thuận lợi với các dự án lớn sau này. Cơ sở hạ tầng được cải thiện nhiều nhưng thiếu đồng bộ trong khi mật độ dân số ngày càng tăng cao.
Diện mạo cơ sở hạ tầng TX.Thuận An sạch đẹp, thông thoáng sau nhiều nỗ lực về công tác chống ngập
Có nhiều nguyên nhân gây ngập nước. Cụ thể, ngập nước do sự phát triển đô thị, do thủy triều, triều cường, do thời tiết và những vấn đề mang tính tất yếu. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác gây ngập nước là do ý thức của người dân còn chưa cao. Người dân vô tư vứt rác thải xuống cống rãnh, vô tư cản trở lưu thông dòng chảy của hệ thống thoát nước bằng các công trình xây dựng của mình hoặc tranh chấp đất đai, mương nước làm phát sinh hiện tượng ngập úng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TX.Thuận An, cho biết: “Hệ thống thoát nước thải hiện có ở Thuận An chủ yếu là hệ thống thoát nước chung. Nước thải của thị xã được thu gom bằng tuyến cống trên các đường đô thị chảy về các hạ lưu như kênh Ba Bò, suối Bưng Cù, suối Cầu, kênh Tiêu… sau đó đổ ra nhánh sông Sài Gòn. Các khu công nghiệp đều có hệ thống thoát nước riêng và có các trạm xử lý nước thải tập trung. Hầu hết, các hộ gia đình có một tỷ lệ nhỏ nước thải đầu ra được đấu nối trực tiếp vào hệ thống thoát nước của thị xã, số còn lại ngấm trực tiếp xuống nền đất”.
Ngập nước đô thị không chỉ gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, gây tai nạn giao thông, cản trở giao thông và còn phát sinh nhiều vấn đề về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Đáng nói là những vụ tai nạn do ngã vào hố ga, bị nước cuốn vào hố ga… gây thương vong cho người đi đường.
Qua việc phân tích nguyên nhân từng điểm ngập còn tồn tại và các điểm ngập phát sinh, ngành chức năng TX.Thuận An đã đưa ra nhiều giải pháp chống ngập hiệu quả, phù hợp với tình hình của địa phương. Một bức tranh tổng thể về công tác chống ngập đô thị được vạch ra, trên cơ sở phân tích từng công trình cụ thể là cách mà TX.Thuận An đã thực hiện.
Giải pháp cụ thể chống ngập
Căn cứ Quyết định số 03/QĐ-UBND ngày 24-1-2014 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý các công trình giao thông, chiếu sáng, thoát nước, cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh; thực hiện chỉ đạo của UBND TX.Thuận An về việc thực hiện theo Công văn số 1934/SXD-PTĐT HTKT ngày 14-6-2018 của Sở Xây dựng về việc triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016-2020 và bảo đảm chống ngập mưa lũ trên địa bàn tỉnh Bình Dương, thời gian qua Phòng QLĐT TX.Thuận An đã triển khai nhiều giải pháp chống ngập. Giải pháp được TX.Thuận An triển khai mạnh trong thời gian gần đây và được cho là khả thi là nâng đường, làm bờ bao, cống kiểm soát triều cường, nâng cấp hệ thống thoát nước...
Trước đây, các tuyến đường như 22-12 (phường Thuận Giao), Chòm Sao - Suối Đờn (phường Hưng Định)… được xem là điểm nóng về ngập nước. Sau mỗi cơn mưa, tình trạng nước ngập khiến cuộc sống của người dân và phương tiện giao thông lưu thông vô cùng khó khăn. Nhờ triển khai giải pháp chống ngập đô thị hiệu quả, tình trạng trên đã được khắc phục.
Hiện tại, dự án thoát nước Chòm Sao - Suối Đờn cũng đã hoàn thành đoạn Suối Đờn và đang thực hiện đền bù và thi công đoạn rạch Chòm Sao. Dự án thoát nước Suối Cát - Bưng Bịp đang triển khai thi công.
Ông Nguyễn Phạm Bình Tiến Dũng, Tổ trưởng bộ phận giao thông, Phòng QLĐT TX.Thuận An, cho biết: “Phần lớn các điểm ngập lớn đều thuộc thẩm quyền quản lý cấp tỉnh. Những dự án này có kinh phí đầu tư lớn liên quan đến nhiều ngành và thời gian lập thủ tục phải theo đúng trình tự nên mất nhiều thời gian. Một số điểm nóng về ngập nước đáng nói là điểm ngập trên đường Lê Thị Trung. Do đường Lê Thị Trung chưa xây dựng hệ thống thoát nước mưa phần hạ lưu, vì vậy nước mưa trên tuyến đường này và khu vực xung quanh không có lối thoát, dẫn đến ngập nặng, nước tràn mặt đường và rút rất chậm. Trước đây, đã có dự án đầu tư cho công trình này nhưng Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương có văn bản cho rằng dự án thoát nước mưa đã tách khỏi dự án cụm thoát nước chùa Thầy Thỏ. Do đó, dự án không được thực hiện. Hiện tại, Phòng QLĐT TX.Thuận An đã và đang tiến hành cho nạo vét thông cống, hố ga để giảm bớt khối lượng bùn, đất và nước bẩn hôi thối nhằm hạn chế nước ngập tràn lên mặt đường”.
Trên quốc lộ 13, đoạn đi qua địa bàn TX.Thuận An có 4 điểm ngập lớn gồm: Điểm ngập gần ngã tư cầu Ông Bố, khu vực Đông Nhì và khu vực trước Trung tâm Thương mại Lotte; điểm ngập nước trên đường Nguyễn Văn Tiết; điểm ngập nước ở đầu đường Hồ Văn Mên và điểm ngập tại khu vực cổng chào Bình Dương. Với các điểm ngập này, Phòng QLĐT TX.Thuận An đã kiến nghị các sở, ngành cấp tỉnh và doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng tiết diện thoát nước của hệ thống cống, nạo vét hố ga, khai thông dòng chảy…
Trên địa bàn TX.Thuận An trước đây có 22 điểm ngập, trong đó có 19 điểm đã và đang xử lý tạm. Trước những giải pháp đã và đang thực hiện, công tác chống ngập đang dần được khắc phục, mang đến một diện mạo đô thị mới cho TX.Thuận An. Tuy nhiên, vì các điểm ngập mới luôn phát sinh theo thời gian, do đó công tác chống ngập là trách nhiệm lâu dài, đầy cam go cần có sự chung tay của các ngành, các cấp và sự hưởng ứng, đồng thuận từ phía người dân.
“Trong quá trình phát triển đô thị, ngoài vấn đề về an toàn giao thông đường bộ, giải tỏa đền bù… thì ngập nước cũng là đề tài nóng trong các cuộc hội nghị, hội thảo về phát triển đô thị. Để giải quyết được căn cơ vấn đề này cần có những quy hoạch, kế hoạch cùng những giải pháp lâu dài và những biện pháp tạm thời để từng bước thực hiện những điểm ngập đô thị. Cần xác định nhiệm vụ chống ngập, trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ hành lang sông rạch, mương thoát nước chung… là nhiệm vụ không của riêng ai. Từ đó, đưa ra nhiệm vụ sát với thực tế nhằm bảo đảm đạt mục tiêu. Về công tác tuyên truyền, chúng tôi tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ gia đình, người dân sinh sống trên địa bàn về tác hại của việc ngập như dịch bệnh, an toàn giao thong, giảm tuổi thọ công trình, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, lưu thông hành khách, hàng hóa bị đình trệ… Về việc chấp hành pháp luật của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực xây dựng thì cần có biện pháp chế tài nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong việc xây dựng lấn chiếm hành lang, sông rạch… Về công tác quản lý nhà nước, quy hoạch: Đề nghị các ngành, cấp trên quan tâm quy hoạch đô thị có tính đến quỹ đất dành cho công viên cây xanh kết hợp hồ điều tiết, định hướng thoát nước lưu vực có tính hạ lưu thoát nước hoàn chỉnh…”. (Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng QLĐT TX.Thuận An) |
TÂM TRANG