Phòng chống HIV/AIDS: Hành động để đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020
(BDO) Cùng với cả nước, trong thời gian qua, Bình Dương rất quan tâm và đã triển khai nhiều hoạt động nhằm sớm đạt mục tiêu 90-90-90 trong phòng, chống HIV/AIDS. Những kết quả đạt được cũng như những hoạt động hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 (gọi tắt là Tháng hành động) với chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020” mà Bình Dương đã và đang tập trung triển khai thực hiện đã nói lên điều đó...
Đoàn viên thanh niên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn tỉnh tham gia diễu hành tuyên truyền phòng chống ma túy, HIV/AIDS. Ảnh: T.V
Nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động
Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút kiểm soát được số lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030. Mặc dù các mục tiêu này đã được Việt Nam cam kết thực hiện từ năm 2014, tuy nhiên các mục tiêu 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút hiện đạt được còn thấp trong khi thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu không nhiều. Do vậy, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018, Việt Nam tập trung vào chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020”.
Tháng hành động năm 2018, trên địa bàn tỉnh cũng đã và đang diễn ra nhiều hoạt động hưởng ứng. Bác sĩ Nguyễn Kiều Uyên, Giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh, cho biết tùy theo tình hình, kế hoạch cụ thể của từng địa phương, 91 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức mít-tinh và diễu hành quần chúng hưởng ứng Tháng hành động và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1-12. Song song đó, công tác truyền thông trong Tháng hành động cũng được quan tâm triển khai thực hiện với nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng phù hợp với nguồn lực sẵn có của từng địa phương…
Nỗ lực thực hiện giảm kỳ thị và phân biệt đối xử
Một trong ba mục tiêu quan trọng mà Tháng hành động năm nay đã đề ra, đó là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người nhiễm HIV/AIDS và trách nhiệm của người nhiễm HIV/AIDS với gia đình, xã hội, đặc biệt là trong dự phòng lây nhiễm HIV và tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn nhất định, trong đó có vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, hiện nay, tỷ lệ kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS của nhân viên y tế và cộng đồng vẫn còn khá cao. Trung tâm đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực, thực hiện nhiều hoạt động để giảm tỷ lệ này trong thời gian tới.
Do bị kỳ thị và phân biệt đối xử, những người nhiễm HIV bị rơi vào tình trạng thất nghiệp hoặc buộc phải thay đổi công việc thường xuyên, phải thay đổi nơi ở, phải vật lộn để bảo đảm kế sinh nhai cho bản thân. Ngay cả chính trong gia đình, người nhiễm HIV cũng bị chính những người thân trong gia đình ruồng rẫy, bị cộng đồng tẩy chay, mất công ăn việc làm, tài sản; thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ, thậm chí bị bạo hành... “Người nhiễm HIV họ vẫn có thời gian dài khỏe mạnh nên họ vẫn có thể cống hiến cho gia đình và xã hội. Khi bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV bị tách biệt, không làm việc, không được chăm sóc và như vậy người nhiễm HIV có thể chết sớm do không được chăm sóc để lại vợ, chồng, con cái mồ côi, bố mẹ già… làm tăng tác động của HIV/AIDS đến gia đình, đến kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều người nhiễm HIV là những tuyên truyền viên rất hiệu quả nên làm mất đi một lực lượng có hiệu quả trong phòng, chống AIDS. Do đó, chúng ta không nên kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, bác sĩ Kiều Uyên nói.
Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả đáng khích lệ. Trước năm 2018, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào 4 dự án: Truyền thông, can thiệp giảm tác hại - giám sát dịch, chăm sóc, điều trị và tăng cường năng lực hệ thống. Nhằm sớm đạt mục tiêu 90-90-90 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, từ năm 2018, các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu tập trung vào việc đạt 3 mục tiêu trên, bao gồm: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm của bản thân; 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng lây truyền.
Theo số liệu từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, từ trước năm 2010, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh phát hiện khoảng 200 người nhiễm HIV mới là người Bình Dương. Sau năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm phát hiện khoảng 120 - 130 người nhiễm mới là người Bình Dương. Qua đó, cho thấy dịch HIV/AIDS những năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Điều này phần nào phản ánh mức độ đầu tư, quan tâm của các cấp trong công cuộc phòng, chống đại dịch HIV/AIDS. Bác sĩ Kiều Uyên cho biết: “Trung bình số lượng bệnh nhân điều trị ARV tăng thêm khoảng 250 người/năm. Năm 2009, Bình Dương chỉ có 1 phòng khám ngoại trú (PKNT) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Đến tháng 6-2017 mở thêm các PKNT tại TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, huyện Phú Giáo và huyện Dầu Tiếng. Đến đầu năm 2018, có thêm 1 cơ sở tham gia điều trị ARV tại trại giam Phú Hòa. Như vậy, trong vòng 10 năm (từ năm 2009-2018), số lượng PKNT đã tăng gấp 10 lần, số lượng bệnh nhân được tiếp cận với chương trình điều trị ARV cũng tăng 11 lần so với năm 2009”.
Trong những năm đầu triển khai chương trình điều trị ARV, do nguồn thuốc có hạn và bệnh nhân phải có một số tiêu chuẩn nhất định mới được đưa vào điều trị ARV. Điều đáng mừng là hiện nay, khi bệnh nhân có xét nghiệm khẳng định HIV dương tính đều được điều trị ARV ngay. Việc này đã góp phần tích cực trong việc làm giảm tình trạng “mất dấu” bệnh nhân. Trong những năm qua, Bình Dương đã đạt nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, để sớm đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn trong thời gian tới cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa. Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Bình Dương làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và sớm đạt các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân tỉnh nhà nói riêng, mà còn góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với cộng đồng quốc tế, là tiền đề quan trọng để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
HỒNG THUẬN