Phòng, chống hàng gian, hàng giả trên thị trường thương mại điện tử - Kỳ 2

Thứ tư, ngày 27/09/2023

(BDO) Kỳ 2: Cần giải pháp đồng bộ

Hiện nay, nhiều sàn thương mại điện tử (TMĐT) vẫn chưa có các điều khoản khắt khe đối với các nhà bán lẻ tham gia, tình trạng các đối tượng lợi dụng kẽ hở để đưa hàng giả, kém chất lượng lên các kênh bán hàng online xảy ra rất nhiều. Làm gì để người sản xuất, nhà bán lẻ ngăn chặn hàng giả trên các sàn TMĐT? Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Công ty Vina CHG (nhà cung cấp giải pháp chống hàng giả).

 Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh giám sát tiêu hủy sản phẩm điện tử nhập lậu

 - Ông có thể cho biết thực trạng hàng giả trên thị trường nói chung?

- Thực trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường, ở cả không gian mạng lẫn thị trường truyền thống vẫn đang là một vấn đề nhức nhối. Tuy nhiên, ở không gian mạng vấn đề trở nên phức tạp hơn, bởi hầu như không giới hạn vị trí địa lý, khó rà soát và kiểm tra. Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng trước sau gì cũng phải có sự vào cuộc phối hợp chặt chẽ giữa các chủ sàn và các tài khoản chủ doanh nghiệp (DN), chủ cửa hàng/người bán hàng, nhằm kiểm soát “chất lượng đầu vào” của sản phẩm trên các sàn, ít ra cũng phải có một mức chuẩn nhất định, nhằm tạo điều kiện cho khâu “hậu kiểm” trên sàn TMĐT đó.

Kẽ hở chỗ nào thì các sàn phải tìm ra và lấp chỗ đó, có thể tùy mỗi sàn mà có các giải pháp khác nhau. Quan trọng là chính sách tài khoản bán hàng của các sàn. Ví dụ, một số sàn hiện có thể đang có chính sách khá thoáng cho các cá nhân, DN tạo tài khoản bán hàng, nhưng lại chưa có giải pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm. Điều này có thể dẫn đến các đối tượng lợi dụng để bán các sản phẩm nhập lậu, hoặc kém chất lượng. Các sàn phải xây dựng quy trình kiểm tra, công cụ xác minh tài khoản các chủ cửa hàng, nhất là cửa hàng cá nhân, bảo đảm khoanh vùng trách nhiệm khi xảy ra sự cố hoặc yêu cầu các cửa hàng có biện pháp xử lý thích hợp, kịp thời.

Đối với các sàn TMĐT lớn có pháp lý cụ thể, vấn đề này vẫn có thể khắc phục được phần nào. Tuy nhiên, đối với mạng xã hội xuyên biên giới, giải pháp lại nằm ở khâu hậu kiểm nhiều hơn là kiểm soát đầu vào. Trước mắt nên tập trung phối hợp các chủ sàn có pháp nhân tại Việt Nam, tạo niềm tin cho người dùng bằng chất lượng sản phẩm, có sự phối hợp chặt chẽ giữa người bán và chủ sàn, được bảo hộ tại thị trường Việt Nam.

- Giải pháp nào để phát hiện hàng giả, hàng lậu trên sàn TMĐT, thưa ông?

- Khâu phối hợp chặt chẽ giữa người bán hàng và các chủ sàn sẽ tạo tiền đề để xử lý các trường hợp mua bán hàng giả, hàng nhái. Khi xảy ra sự cố, các sàn phải có công cụ, phương thức báo cáo, đánh giá và liên hệ bộ phận xử lý sự việc một cách dễ dàng, thuận tiện và nhanh nhất. Từ đó, xác lập vụ việc và phối hợp xử lý chủ cửa hàng hợp lý.

Để phát hiện hàng giả, hàng nhái khi mua từ các sàn TMĐT, vấn đề này là ở nhà sản xuất, phân phối, người bán khi đưa sản phẩm lên sàn và đến tay người tiêu dùng. Cần có giải pháp, công cụ để kiểm tra xem hàng khi đến tay người mua có chính xác là sản phẩm do sàn phân phối không, nếu xảy ra tráo hàng, phải có cách phát hiện, khoanh vùng là xảy ra ở khâu nào, cũng không loại trừ do chính người dùng là các đối tượng truyền thông bẩn của đối thủ… Vì vậy, giải pháp quản lý hàng hóa sản phẩm trong quá trình lưu thông là rất quan trọng.

- Ngành quản lý cần làm gì để có thể kiểm soát, ngăn chặn tình trạng vi phạm trong hoạt động TMĐT hiện nay?

- Trước mắt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, bao gồm nhà sản xuất, chủ sàn, người bán hàng và các cơ quan chức năng, người tiêu dùng. Trong đó, các DN cần áp dụng chuyển đổi số, thông qua các công cụ, giải pháp chống hàng giả trên nền tảng số đồng bộ với dữ liệu của DN sẽ giúp kiểm soát được lưu thông hàng hóa trên thị trường, truy vết đường đi của sản phẩm, truy xuất thông tin bán hàng, nhanh chóng phát hiện các trường hợp bị giả mạo, cũng như có căn cứ để giải quyết khi các sự cố xảy ra. Về phía các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý, văn bản luật nhằm đáp ứng sự thay đổi của thị trường, khi mua sắm truyền thống đang dần dịch chuyển lên không gian mạng; nâng cao nghiệp vụ quản lý, giám sát và điều tra trên không gian mạng bên cạnh các nghiệp vụ chuyên môn.

Về phía người tiêu dùng, cũng cần phải nâng cao kiến thức tự bảo vệ mình trên không gian mạng, không dễ dàng chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin tài chính… Người mua sắm chỉ nên mua và thanh toán trực tuyến tại các sàn uy tín, có dấu xác nhận của cơ quan chức năng, tìm hiểu kỹ về sản phẩm trước khi mua và lưu lại toàn bộ thông tin giao dịch sản phẩm để có căn cứ xử lý khi xảy ra sự cố.

- Xin cảm ơn ông!

 Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Hoạt động TMĐT phát sinh dưới nhiều hình thức, mô hình mới đã và đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước. Hiện Nghị định số 52/2013/NĐ-CP đã được xây dựng khá chi tiết và đáp ứng yêu cầu quản lý. Tuy vậy, thị trường TMĐT phát triển rất nhanh, cần nhiều giải pháp phòng, chống hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh việc các cơ quan chuyên môn làm đầu mối điều phối việc cung cấp, chia sẻ cơ sở dữ liệu, thông tin phục vụ công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả trên môi trường TMĐT, cần quy định sàn TMĐT và người bán hàng trên sàn phải thống kê, lưu giữ tất cả các giao dịch trên hệ thống để có thể tiến hành thẩm tra, xác minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa khi phát sinh khiếu nại…

 THANH HỒNG (thực hiện)