Phòng chống dịch lở mồm long móng trên gia súc: Quyết liệt đẩy lùi dịch bệnh

Thứ bảy, ngày 16/04/2011

Hiện nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại các địa phương trong cả nước. Riêng tại Bình Dương (BD), công tác phòng chống dịch đã đạt được các kết quả khả quan nhưng nguy cơ dịch bùng phát là rất cao.

Đủ vắc-xin tiêm phòng

Thời gian qua có thể nhận thấy rằng về yếu tố dịch tễ thì dịch LMLM năm nay diễn biến nhanh chóng và gây chết cho đàn gia súc với số lượng nhiều. Riêng tại BD, dịch LMLM xuất hiện từ cuối tháng 2-2011 và đến nay đã xuất hiện tại 4 huyện, thị xã gồm Thuận An, Dĩ An, Bến Cát và Tân Uyên với 218 con heo bị nhiễm dịch. Khi phát hiện bệnh, ngành thú y tỉnh đã nhanh chóng áp dụng biện pháp tiêu hủy. Theo Chi cục Thú y BD thì dịch LMLM xuất hiện ở tỉnh với quy mô nhỏ, chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan đã nhanh chóng chỉ đạo cho các cấp, ngành thực hiện nhiều giải pháp nhằm bao vây khống chế và xử lý ổ dịch. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát do hiện nay dịch bệnh đã xảy ra tại một số địa bàn giáp ranh và tình hình cung ứng vắc-xin tiêm phòng khó khăn. Theo Cục Thú y Trung ương, sở dĩ năm nay dịch bệnh kéo dài, số lượng gia súc mắc bệnh nhiều là do nhiều địa phương chủ quan, không tiêm phòng đủ số lượng cũng như chậm thông tin về diễn biến của dịch bệnh cho người chăn nuôi, chậm báo cáo cho các ngành cấp trên để có biện pháp xử lý.

Tại BD, nguyên nhân chủ yếu gây ra dịch bệnh là do người chăn nuôi mua gia súc không rõ nguồn gốc, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, ý thức chấp hành của người chăn nuôi trong công tác phòng chống dịch còn thấp; tỷ lệ tiêm phòng đối với hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ đạt thấp, phát hiện và xử lý dịch chậm, bán chạy gia súc bị bệnh. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn BD thì hiện nay vắc-xin phòng bệnh cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thực tế, các địa phương cũng đang tiến hành tiêm phòng để bảo vệ đàn gia súc trước nguy cơ lây nhiễm bệnh. Ông Trương Văn Đức - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Sự quyết liệt trong dập dịch và chống dịch vừa qua đã làm cho công tác phòng chống dịch đạt được các kết quả cao. Các ổ dịch, các vùng dịch tại các nơi có dịch xảy ra đã ổn định và không còn phát sinh thêm con gia súc nào nữa. Đối với BD thì vắc- xin đủ sử dụng và chúng tôi đã tiêm trên 20.000 liều trong giai đoạn có bệnh và đến nay đã nhận thêm 80.000 liều vắc-xin phù hợp. Do vậy không sợ thiếu vắc-xin”.

Người chăn nuôi ý thức hơn với dịch bệnh

Bên cạnh công tác dập dịch, chống dịch, tiêm vắc-xin diện rộng trên đàn gia súc, trong thời gian này công tác tuyên truyền phòng dịch cho các hộ, trang trại chăn nuôi  để nâng cao ý thức phòng bệnh cần được chú trọng. Trong đó, vấn đề quan trọng là cần hạn chế khả năng lây nhiễm vi-rút do thả chung gia súc mới chưa qua kiểm dịch với đàn gia súc cũ. Ngành thú y cũng yêu cầu người chăn nuôi cần theo dõi kỹ sức khỏe đàn gia súc, kịp thời thông tin các trường hợp nghi nhiễm bệnh để có các biện pháp xử lý nhanh chóng. Từ ngày 1 đến 15-4, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện kế hoạch phòng dịch trên đàn gia súc, gia cầm và trong thời gian này đang tiến hành tiêm phòng dịch LMLM trên đàn gia súc. Tùy thuộc vào điều kiện của các địa phương mà công tác tiêm phòng có thể tiến hành nhanh hơn và chậm hơn nhưng nhìn chung công tác này đang được thực hiện quyết liệt.

Ông Võ Thành Công - Trưởng trạm Thú y TX.TDM cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho công tác tiêm phòng đạt hiệu quả cao, Trạm Thú y thị xã đã triển khai cho các đơn vị thú y điều tra nhanh tổng đàn để nắm chắc về đàn gia súc, tập huấn các kỹ thuật tiêm phòng. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về tầm quan trọng của công tác tiêm phòng”.

Trong vài năm trở lại đây, trước những thiệt hại nặng nề của dịch bệnh gây ra và với công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên nên  ý thức về công tác tiêm phòng dịch cho đàn gia súc của người chăn nuôi đã được nâng cao dần. Người chăn nuôi cũng đã chủ động hơn trong việc phối hợp với chính quyền và ngành thú y trong công tác phòng chống dịch bệnh. Đây là cơ sở thuận lợi để cho công tác tiêm phòng trong thời gian tới được thực hiện đúng kế hoạch và đạt hiệu quả cao. Được biết trong đợt này, BD sẽ tiêm phòng vắc-xin typ O cho 40.000 con gia súc các loại. Với những hộ nuôi dưới 20 con heo sẽ được tiêm vắc-xin phòng dịch miễn phí, chỉ phải trả công tiêm phòng cho thú y cơ sở mỗi mũi tiêm 1.000 đồng. Hiện tại, BD đã nhận được khoảng 110.000 liều vắc-xin cần thiết, số còn thiếu sẽ tiếp tục nhận trong thời gian tới.

CAO SƠN