Phòng chống dịch heo tai xanh: Kiểm soát chặt chẽ các “cửa khẩu” nội địa

Thứ hai, ngày 09/08/2010

Trước thông tin dịch heo tai xanh (DHTX) bùng phát mạnh tại một số địa phương, các huyện giáp ranh với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương đã có những biện pháp chủ động để phòng chống, đặc biệt là trên các tuyến giao thông liên địa bàn.

Quản lý dịch bệnh gặp khó!

Dĩ An và Thuận An là các địa phương nằm giáp ranh với TP.HCM và Đồng Nai. Với đặc điểm là các địa bàn có nhiều tuyến đường thông với các địa phương kể trên, công tác kiểm dịch và phòng chống dịch bệnh (PCDB) HTX đang gặp phải nhiều khó khăn so với các địa phương khác. Số lượng chốt kiểm dịch ít, cán bộ thú y mỏng thì việc phát sinh bệnh HTX trong thời điểm này là rất dễ xảy ra.

Kiểm dịch chặt chẽ tại các lò mổ trên địa bàn.

Dĩ An cũng là nơi tập trung một số lượng lớn gia súc, gia cầm giết mổ của cả tỉnh. Tuy là địa phương chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng huyện giáp ranh Tân Uyên (nơi đã xuất hiện bệnh) nên rất dễ lây lan, vì vậy, Trạm Thú y huyện Dĩ An đã tăng cường triển khai các biện pháp nhằm chủ động PCDB một cách hiệu quả nhất. Anh Đỗ Văn Chung - Cán bộ Thú y huyện Dĩ An cho biết: “So với các địa phương khác, huyện Dĩ An có địa bàn khá gọn nhưng việc có nhiều tuyến đường thông ra các địa bàn giáp ranh cũng là những khó khăn rất khó khắc phục trong việc phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan đến địa bàn huyện”. Tại Dĩ An hiện tập trung 3 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm với quy mô khá lớn. Và đây cũng là những cơ sở tập trung các loại gia súc, gia cầm được vận chuyển từ địa bàn TP.HCM lên. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và có khả năng lây lan nhanh, Trạm Thú y huyện đã củng cố mạng lưới tại cơ sở cũng như tăng cường nhắc nhở cán bộ thú y cảnh giác và chủ động trong việc PCDB. Với đặc điểm của địa phương, công tác kiểm tra đầu vào của các loại gia súc, gia cầm đã được tăng cường hơn. Công tác kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ cũng như tại các chốt kiểm dịch được thực hiện chặt chẽ và đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân để PCDB cũng như tránh tình trạng hoang mang. Công tác tiêu độc sát trùng cũng được trạm thực hiện đúng tiến độ đã góp phần tích cực vào việc PCDB.

Huyện Thuận An cũng gặp phải những khó khăn nhất định trong công tác phòng, chống và ngăn ngừa dịch bệnh. Địa phương này cũng vừa xuất hiện dịch. Tuy nhiên do dịch xuất hiện trong đơn vị quân đội có sự kiểm soát chặt chẽ đầu ra, đầu vào nên cho đến nay dịch bệnh vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn huyện chủ yếu cũng là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên một khi dịch bệnh bùng phát rất khó cho công tác khống chế. Trong thời gian gần đây Trạm Thú y huyện Thuận An cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai nhiều biện pháp PCDB. Ông Khiếu Quang Lần - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Thuận An cho biết: “Tại Thuận An có nhiều chợ tự phát buôn bán nhỏ lẻ nên chúng tôi cũng gặp phải nhiều khó khăn trong công tác phát hiện và PCDB. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chưa thiết lập được nhiều chốt kiểm dịch tại các tuyến đường để có thể khống chế tốt dịch bệnh”.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ

Thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Bình Dương người chăn nuôi vẫn còn chưa phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc phát hiện và PCDB. Những hành động che giấu bệnh dịch, không hợp tác với cơ quan thú y sẽ làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và gây ra những hiệu quả nặng nề. Bên cạnh đó, trong thời gian qua một số địa phương có heo bị nhiễm bệnh cũng xuất phát từ việc quản lý lỏng lẻo công tác vận chuyển heo bị bệnh, làm phát tán virus gây bệnh ra diện rộng. Với những hộ chăn nuôi tại các địa bàn chưa nhiễm bệnh cũng như các hộ chăn nuôi có heo chưa bị nhiễm bệnh cũng cần tăng cường công tác vệ sinh chuồng trại, thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc heo để tăng sức đề kháng cho đàn heo. Với những hộ có heo bị nhiễm bệnh cần báo ngay với cơ quan thú y cũng như chính quyền địa phương để có các biện pháp tiêu hủy hiệu quả.

Theo Cục Thú y Trung ương, dịch HTX thường 2-3 năm xuất hiện một đợt chính tại một khu vực. Trong khi đó các loại vắc-xin PCDB HTX vẫn chưa phát huy hiệu quả cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng dịch bệnh bùng phát mạnh trong thời gian qua. Khi dịch HTX bùng phát mạnh nhiều địa phương còn rất bị động trong công tác phòng chống, nhiều người chăn nuôi do lơ là, chủ quan nên đã phải chịu những hậu quả nặng nề. Trong tình hình hiện nay, vấn đề cảnh giác và chủ động PCDB cần phải được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó các chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi cũng cần phải được triển khai nhanh để cho người dân bớt hoang mang cũng như giảm bớt phần nào gánh nặng cho người chăn nuôi.

CAO SƠN