Phòng chống dịch gia súc, gia cầm: Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài!

Chủ nhật, ngày 20/02/2011

Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC) của Bình Dương trong năm 2010 đã đạt được kết quả cao. Tuy nhiên để có thể hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại do dịch bệnh gây ra thì trong thời gian tới ngành nông nghiệp của tỉnh còn nhiều việc phải làm.

Phòng chống dịch bệnh đạt kết quả cao

Trong năm 2010, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch GSGC. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và thực hiện thường xuyên, ngay từ đầu năm, các cơ quan hữu quan của tỉnh đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống như tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra cũng như lây lan của dịch bệnh.

  Cần kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm bán tại các chợ

Với những biện pháp cụ thể trên nên trong năm 2010 Bình Dương không xảy ra dịch cúm gia cầm; bệnh dại trên chó, mèo, dịch bệnh thủy sản đã được khống chế. Dịch lở mồm long móng trên trâu, bò có xảy ra nhưng ở quy mô nhỏ, lẻ và đã được ngành thú y kiểm soát. Trong năm qua, toàn tỉnh đã tiêm được 10.992.597 con gia cầm đạt trên 97% diện tiêm, so với năm 2009 đạt 119,48%. Công tác tiêm phòng các loại bệnh thông thường như lở mồm long móng, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn trên đàn heo đạt tỷ lệ cao (trên 90%). Tuy nhiên, công tác này thực hiện trên đàn trâu, bò lại không đạt tỷ lệ cao (chưa đến 80%) chủ yếu là trên các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ. Do người dân tự tiêm phòng và do trong năm qua thực hiện thí điểm xã, cụm xã không tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng cho trâu, bò nên tỷ lệ này không cao. Công tác kiểm soát giết mổ - kiểm tra vệ sinh thú y tại các hộ chăn nuôi, các cơ sở giết mổ đều đạt tỷ lệ cao. Thiệt hại cho ngành chăn nuôi của tỉnh trong năm 2010 chủ yếu là do dịch tai xanh trên heo với 73/91 xã có heo bị nhiễm bệnh. Dịch bệnh đã làm cho 30.599 con heo bị nhiễm bệnh; tổng số heo điều trị khỏi bệnh là 14.252 con, chiếm tỷ lệ 47% heo bệnh. Tổng số heo tiêu hủy là 16.347 con, chiếm tỷ lệ 53% heo mắc bệnh; tổng trọng lượng heo tiêu hủy là 737.765,8kg với tổng số tiền hỗ trợ tiêu hủy là hơn 18 tỷ 444 triệu đồng. Để người chăn nuôi tái đàn thuận lợi, công tác chi trả tiền hỗ trợ đã được thực hiện nhanh chóng và kịp thời, cho đến nay công tác tái đàn của một số hộ chăn nuôi đã được tiến hành thuận lợi.

Cần có giải pháp căn cơ

Có thể thấy dịch heo tai xanh xảy ra trong năm 2010 chủ yếu tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, nhiều hộ chăn nuôi thiếu ý thức phòng chống dịch bệnh nên một khi dịch bệnh xảy ra thì tốc độ lây lan nhanh. Bên cạnh là nguyên nhân khách quan do vi-rút đã lưu hành rộng rãi trên đàn heo, kết hợp với điều kiện thời tiết thất thường, độ ẩm không khí cao khiến sức khỏe đàn heo giảm, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và lây lan; việc vận chuyển heo từ các tỉnh miền Bắc và miền Trung vào miền Nam tiêu thụ cùng với giai đoạn thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, mưa nhiều, ẩm độ không khí cao rất dễ làm dịch bệnh phát sinh; việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi chưa được người chăn nuôi quan tâm thực hiện, nhất là với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ tạo điều kiện phát sinh dịch bệnh; đa số người dân mua các giống heo trôi nổi, tự điều trị và tiêm phòng nên việc kiểm soát dịch bệnh rất khó khăn, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao; hiện nay vẫn chưa có vắc-xin hữu hiệu phòng chống bệnh heo tai xanh. Tình trạng vệ sinh thú y tại các hộ có heo bệnh đa số không đạt: nuôi heo chung với gia cầm, vệ sinh chuồng trại rất kém, không thông thoáng, ô nhiễm nặng nề do che kín bằng bạt và nằm trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý nước thải, không tiêm phòng một số bệnh thông thường; công tác giám sát, phát hiện dịch và báo cáo dịch còn nhiều bất cập, khi có dịch bệnh xảy ra nhiều người chăn nuôi và cán bộ thú y mua thuốc điều trị và không khai báo dịch, đến khi dịch lan rộng không kiểm soát được mới báo cho cơ quan thú y và chính quyền địa phương; ý thức phòng chống dịch của người chăn nuôi và một vài cán bộ thú y chưa cao, có nơi người chăn nuôi không khai báo dịch và bán chạy heo mắc bệnh...

Theo dự báo, năm 2011, tình hình thời tiết sẽ tiếp tục diễn biến thất thường và vì vậy khả năng dịch bệnh bùng phát là có khả năng xảy ra. Để có thể nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của người  dân thì công tác tuyên truyền cần tiếp tục tăng cường. Bên cạnh đó cần thực hiện đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh để hạn chế thấp nhất khả năng xảy ra dịch bệnh cũng như giảm thiểu thiệt hại cho người chăn nuôi. Và để có thể thực hiện công tác an toàn dịch bệnh thì trong thời gian tới cần có quy hoạch chăn nuôi cụ thể cho từng địa phương, đây có thể được xem là giải pháp căn cơ. Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: “Ban Chỉ đạo phòng chống dịch GSGC tỉnh cần quan tâm kiểm tra thịt GSGC cũng như sản phẩm từ GSGC trên thị trường nhất là tại các chợ truyền thống, các chợ tự phát tại các khu công nghiệp, khu dân cư. Cần có các định hướng phòng chống dịch bệnh cụ thể khi thấy thời tiết diễn biến thất thường cũng như hướng dẫn cặn kẽ phương pháp phòng chống dịch bệnh cho người chăn nuôi”.

Phát biểu trong cuộc họp tổng kết công tác phòng chống dịch bệnh GSGC 2010 vừa tổ chức, ông Trần Văn Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi cũng như người dân còn chưa cao; người dân và một số cán bộ thú y còn lơ là trước những diễn biến của dịch bệnh; công tác phân cấp còn chưa rõ ràng tại một số địa phương; đội ngũ thú y cơ sở còn mỏng là một số nguyên nhân làm cho công tác phòng chống dịch bệnh bị hạn chế. Ông Trần Văn Nam nhấn mạnh trong năm 2011, các cơ quan hữu quan cần hướng cho người chăn nuôi cách nuôi, cách phòng chống dịch bệnh nếu có để người chăn nuôi chủ động trong phòng chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động giết mổ, vận chuyển GSGC trên địa bàn tỉnh; cương quyết dẹp bỏ các điểm giết mổ lậu cũng như từng bước xóa bỏ các điểm chăn nuôi trong các khu dân cư...

CAO SƠN