Phòng, chống dịch bệnh tại các chợ truyền thống: Đừng chủ quan!

Thứ năm, ngày 17/06/2021

(BDO) Tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh

Tại TP.Thủ Dầu Một, sau hơn 2 tuần thực hiện giãn cách PCDB, nhìn chung công tác tuần tra, kiểm soát các dịch vụ kinh doanh, cấm tụ tập đông người được thực hiện rất tốt. Bên cạnh các dịch vụ như phòng gym, karaoke, quán bar… đồng loạt đóng cửa, các hàng quán ăn uống cũng chỉ hoạt động theo kiểu bán mang về. Qua đó, có thể khẳng định, chính quyền địa phương các phường không hề lơ là, chủ quan trong việc kiểm soát địa bàn PCDB. Tuy nhiên, trái ngược với hình ảnh vắng lặng trên những con phố vốn sầm uất là sự nhộn nhịp, tụ tập đông người tại các chợ truyền thống.

Chiều đến, lượng người đổ về mua sắm tại các chợ truyền thống rất đông, không bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. (Ảnh chụp tại chợ Bình Điềm, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một)

Theo ghi nhận của P.V, tầm 17 giờ mỗi ngày, không riêng gì tại TP.Thủ Dầu Một, hầu như chợ nào cũng đông, có hàng trăm người tụ tập. Với các địa phương vốn có đông người lao động sinh sống như phường An Phú, Bình Chuẩn, Thuận Giao (TP.Thuận An)... lượng người đổ ra chợ lại càng đông hơn. Lượng xe và người ken đặc, chen lấn, nhích từng bước một. Khi nhìn vào những dòng người, xe như thế trong thời điểm thực hiện giãn cách PCDB, nhiều người phải rùng mình suy nghĩ: “Nếu trong đám đông ấy có người bị bệnh sẽ rất nguy hiểm, mức độ lây lan sẽ rất nhanh. Công tác điều tra dịch tễ sẽ rất vất vả”.

Dĩ nhiên, trong thực hiện giãn cách PCDB như hiện nay, nhiều địa phương linh hoạt thực hiện theo các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, không “ngăn sông cấm chợ”. Nhưng thiết nghĩ, việc nâng cao cảnh giác PCDB cho người đi chợ là điều cần thiết. Trao đổi với chúng tôi khi đến chợ Bình Điềm (phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một), chị Lê Thị Hoa, nhà ở phường Phú Hòa chia sẻ, trước đây sau mỗi ngày làm việc, rất nhiều gia đình kéo ra quán để ăn uống, sau đó đi cà phê thư giãn. Nay dịch bệnh không dám đi đâu nên phải đi chợ nấu ăn mỗi ngày, nhà nào cũng vậy. Cũng vì thế mà người đổ ra chợ đông hơn. Trong thời buổi PCDB mà vào chợ chen lấn như thế, chị thấy rất lo lắng. Vì thế, chị thường đi chợ trễ hơn người khác, chờ khi chợ thật sự thông thoáng mới vào, dù biết lúc đó thức ăn trong chợ không còn ngon.

“Theo tôi, mỗi người nên ý thức cao PCDB khi ra chợ. Bên cạnh việc đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc quá gần, chị em nên chọn khung giờ để đi. Nếu có việc cần kíp mới đi chợ sớm, nếu không thì đi trễ chút cũng không sao. Hoặc tận dụng khoảng thời gian nào đó, các chị em mua các nhu yếu phẩm về tích trữ một ít, chỉ đến chợ mua những thứ khi cần, tranh thủ và nhanh. Trong thời buổi dịch bệnh, giữ cho mình cũng là giữ cho người khác, chứ không thể dồn hết mọi việc lên chính quyền các cấp”.

Cần tăng cường tuyên truyền

Theo ý kiến của nhiều người, bên cạnh ý thức của người đi chợ chưa cao, chưa chọn khung giờ hợp lý, chưa tránh tụ tập đông người vào lúc cao điểm thì việc quản lý PCDB tại các khu chợ truyền thống của các cấp xã, phường cũng chưa thật sự tốt và hợp lý. Bên cạnh việc hướng dẫn tiểu thương chấp hành đeo khẩu trang trong lúc mua bán, cần đề ra các giải pháp khác để PCDB tại các chợ. 

Anh Nguyễn Văn Năm, người có nhiều năm quản lý chợ Thủ Dầu Một, chia sẻ: “Bây giờ mà áp dụng việc đưa lực lượng ra phân luồng, phân tuyến giữa các chợ là chưa cần thiết. Tuy nhiên, để hạn chế việc một lúc quá đông người vào chợ, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền qua loa, đài kêu gọi người dân chủ động PCDD khi đến các chợ. Bên cạnh tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế trong PCDB, bà con không nên chọn một khung giờ cố định như mọi ngày để đến chợ. Tiểu thương cũng nên tăng giờ bán dài hơn, sớm hơn, để người đi chợ không thụ động. Tất cả các cửa vào, ra hay tại các ngã rẽ trong chợ, chính quyền phải đặt nhiều băng rôn, khẩu hiệu trực quan về PCDB. Khi nhìn vào hình ảnh này, người dân sẽ tự ý thức hơn khi vào chợ”.

Để không xảy ra lỗ hổng PCDB tại các khu chợ, thiết nghĩ chính quyền các cấp cần nhanh chóng có những biện pháp tích cực hơn trong quản lý PCDB tại các khu chợ truyền thống, nhất là khi dịch bệnh có dấu hiệu lây lan khá phức tạp như hiện nay, để qua đó bảo đảm an toàn PCDB cho người dân.

Bên cạnh tình trạng tụ tập đông người ở các chợ truyền thống vào giờ cao điểm, việc có nhiều người tụ tập tại các trụ ATM để giao dịch cũng khá phổ biến. Dù đến giao dịch một lúc đông người nhưng nhiều người không tuân thủ thực hiện giãn cách theo quy định. Bên trong nhiều trụ ATM cũng không trang bị nước khử khuẩn tay cũng như không gắn các băng rôn, khẩu hiệu PCDB hay các quy định về PCDB.

 QUANG TÁM

Từ khóa: