Phòng chống bệnh viêm não, viêm màng não cho trẻ
(BDO) Viêm não là tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào nhu mô não và nguyên nhân thường thấy là siêu vi đường ruột hay siêu vi gây viêm não Nhật Bản. Viêm màng não là do tác nhân gây bệnh tấn công vào màng bao quanh não và khi nặng mới ảnh hưởng đến não. Hiện nay đang là thời điểm dễ mắc bệnh nên phụ huynh cần đề phòng.
Điều trị bệnh viêm màng não cho trẻ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh
Có mặt ở khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trò chuyện với chị Lê Thị Bích Tiền (An Giang), chúng tôi được biết con chị Tiền đang điều trị bệnh viêm não đến nay đã được 11 ngày. Chị Tiền cho biết, con chị mới hơn 1 tháng tuổi nhưng đang mắc căn bệnh viêm não do sức đề kháng còn kém. Mấy hôm đầu bé sốt cao, ọc sữa, do chủ quan nên gia đình cứ nghĩ bé chỉ bị sốt bình thường. Tuy nhiên, đến ngày thứ 5 bé vẫn sốt cao nên gia đình đưa đến bệnh viện điều trị, đến nay bé đã hết sốt và cần theo dõi thêm ít ngày nữa, nếu sức khỏe ổn định, bé có thể xuất viện trong ít ngày tới.
Được biết, ở Bình Dương tỷ lệ mắc bệnh viêm não, viêm màng não khá cao. Trung bình một tháng có khoảng 5 - 7 ca bệnh nhi nhập viện điều trị. Bác sĩ Nguyễn Văn Nhưỡng, Phó khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, bệnh viêm não, viêm màng não gia tăng vào những ngày mùa nóng, mưa nhiều, muỗi phát triển mạnh. Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: Sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Nếu bệnh do vi trùng não mô cầu gây ra thì có thể xuất hiện các chấm hay mảng xuất huyết hoại tử ở da và khi các mảng xuất huyết này lan nhanh thì đó là dấu hiệu gợi ý bệnh đã rất nặng.
Nhóm bệnh này được xem là bệnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Hiện nay, do có phương thuốc đặc trị tốt dựa theo phác đồ được Bộ Y tế biên soạn cùng với kết quả tiêm chủng, tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, thuốc đặc trị chưa điều trị được virus, chủ yếu chỉ chữa được triệu chứng bằng cách giải quyết tốt dấu hiệu phù não, chống bội nhiễm, chăm sóc dinh dưỡng. Bệnh ít có khả năng tái phát khi bệnh nhân đã được điều trị tốt, tiêm chủng liều cao, dứt hẳn bệnh. Tuy nhiên, bệnh thường để lại di chứng ở những mức độ khác nhau. Nhẹ thì thay đổi tính tình, cáu gắt, giảm trí tuệ, học kém. Nặng quá dẫn đến trì trệ trí tuệ, rối loạn phát âm, câm hoặc điếc, rối loạn vận động, liệt cứng, rối loạn cơ tròn (không kiểm soát được vệ sinh cá nhân). Nặng hơn có thể tàn tật suốt đời. Tiên lượng bệnh tùy thuộc vào thể trạng bệnh nhân.
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, bác sĩ Nhưỡng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh nơi ở, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc. Chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Hiện nay, ở Việt Nam có thuốc chủng ngừa viêm não Nhật Bản, ngừa viêm màng não do HIB, đây là hai vắc xin có nhiều hiệu quả phòng ngừa. Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh lý não - màng não do nhiễm trùng có tên gọi riêng như sau:
Viêm não Nhật Bản là viêm não do siêu vi trùng viêm não Nhật Bản gây ra. Đây là bệnh lây qua đường muỗi chích và thường gặp ở vùng nông thôn. Viêm não do siêu vi trùng đường ruột (enterovirus) là do siêu vi trùng từ đường tiêu hóa tấn công vào não, gây viêm não và nguy hiểm nhất là enterovirus type 71. Viêm màng não hay nhiễm trùng huyết do não mô cầu tác nhân gây bệnh là vi trùng não mô cầu, đây là bệnh tử vong nhanh nếu gặp thể tối cấp. Viêm màng não do HIB là do vi trùng HIB gây ra, đây là vi trùng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Ngoài ra còn có một số tác nhân khác ít gặp hơn nhưng cũng gây ra bệnh lý não - màng não.
HUỲNH THỦY