Phòng, chống bệnh tay chân miệng trong học đường
(BDO) Bệnh tay chân miệng (TCM) là một trong những bệnh ngoài da do nhiễm vi rút thường gặp ở trẻ em, khả năng lây nhiễm cao và dễ gây nhiều biến chứng. Vì vậy, bệnh rất dễ bùng phát thành dịch, đặc biệt ở những điểm sinh hoạt tập thể như trường học, nhà trẻ.
Phòng bệnh là cách tốt nhất Thời tiết chuyển mùa là thời điểm khiến bệnh TCM ở trẻ em đang có nguy cơ gia tăng. Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết, chỉ riêng tháng 10, toàn tỉnh ghi nhận 4.110 ca mắc bệnh TCM, nhiều hơn 1.200 ca so với tháng 8. Điều đáng nói là sau hơn 2 tháng các bé nhập học, số ca mắc TCM tăng lên rất đáng kể.
Tại trường Mầm non Lê Thị Trung (phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một) có tổng số 470 học sinh. Ngày thường các cháu đều đi học đầy đủ, nhưng từ ngày nhập học đến nay, đã có khoảng 10 cháu bị bệnh TCM, diễn biến của bệnh TCM ở trẻ em trong những ngày qua đã khiến cho một số phụ huynh lo lắng. Chị Hà Đào (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, con gái chị năm nay 4 tuổi, cháu mới đi học được hơn 2 tháng nay tại một trường mầm non gần nhà. Vì thấy có một số cháu đang học ở trường mắc bệnh TCM nên gia đình cũng lo sợ con mình bị lây bệnh.
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn giúp phòng tránh bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khuyến cáo, trong mùa dịch, các trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ khi tiếp nhận các con đi học phải kiểm tra bàn tay, sờ đầu xem con có ấm không và xem bàn tay có nốt gì không. Vì chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh là cách tốt nhất. Các trường học phải thường xuyên tổ chức vệ sinh lau chùi sàn nhà bằng chất tẩy rửa và các đồ chơi phải được ngâm Chloramin B, rửa sạch phơi nắng; lựa chọn thực phẩm an toàn cho trẻ, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh đối với trẻ nhỏ, kể cả các cô giáo; xử lý phân, nước tiểu đúng cách; cách ly ca bệnh không cho tiếp xúc với các bé khác...
Nhà trường chủ động phòng tránh
Trao đổi với cô Huỳnh Thị Mỹ Ngân, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Thuận An cho biết: “Tại các trường mầm non trên địa bàn TX.Thuận An, có một số trường có trẻ mắc bệnh TCM. Để chủ động phòng chống bệnh TCM nói riêng và các bệnh truyền nhiễm trên người nói chung, Phòng Giáo dục - Đào tạo TX.Thuận An cũng đã tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh. Cụ thể, phòng đã chỉ đạo tuyên truyền thường xuyên và liên tục trong các cuộc họp với hiệu trưởng các trường trên địa bàn. Đồng thời, có văn bản cụ thể về công tác phòng, chống dịch bệnh gửi tới các trường”. Nhờ làm tốt công tác phòng chống bệnh TCM nên đến nay, trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ (phường Bình Chuẩn, TX.Thuận An) chưa có trường hợp nào mắc bệnh TCM từ thời điểm nhập học đến nay. Cô Đỗ Lê Thanh Hằng, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngôi Sao Nhỏ cho biết: “Để chủ động phòng tránh dịch bệnh TCM, nhà trường đã chủ động dọn dẹp vệ sinh thường xuyên. Mỗi ngày quét dọn vệ sinh trong nhà 3 lần/ngày. Một tuần, tổng vệ sinh trong lớp 1 lần như lật thảm, quét dọn vệ sinh mạng nhện, dùng nước tẩy rửa để lau sàn…”.
Bác sĩ Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng lưu ý: “Hiện nay, chưa có vắc xin phòng bệnh TCM và thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy phụ huynh cũng như nhà trường nên lưu ý để tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh khi đang trong mùa dịch, nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Hạn chế tình trạng ngậm tay ở trẻ nhỏ và dứt khoát ngăn tật này ở trẻ lớn…”.
Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh TCM, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các sở GD-ĐT chủ động phối hợp với các sở y tế và cơ quan liên quan của địa phương tăng cường phòng, chống dịch bệnh. Theo đó công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh TCM tại các trường học, đặc biệt tại các trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ gia đình...
LÊ HUỲNH