Phòng, chống bệnh sốt xuất huyết: Cần sự chung tay của cộng đồng

Thứ tư, ngày 11/11/2020

(BDO) Trước tình hình ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) tăng cao trong những tháng gần đây, ngành y tế tỉnh đã tập trung triển khai chiến dịch diệt lăng quăng dựa vào cộng đồng. Ngành y tế dự báo, từ nay đến cuối năm, bệnh SXH vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca bệnh sẽ còn tăng cao, người dân cần nâng cao nhận thức về SXH, diệt lăng quăng, loại bỏ vật dụng, phế thải chứa nước đọng trong gia đình…

 Ca bệnh SXH đang có xu hướng gia tăng và biến chứng nặng

 Bệnh có xu hướng tăng

Theo thông tin từ Sở Y tế, vào đầu tháng 11 này, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thêm một ca tử vong do SXH tại TP.Thủ Dầu Một. Đây cũng là địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao trong tỉnh. Bệnh nhân là một em bé sinh năm 2019, khởi sốt vào ngày 28- 10, gia đình đưa bé đến khám và điều trị nội trú tại một bệnh viện trên địa bàn TP.Thuận An. Đến ngày 29-10, bệnh nhân được chẩn đoán SXH nặng có sốc, sau đó bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực nhưng không tiến triển và đã tử vong trong ngày 2-11 với chẩn đoán sau cùng là SXH dengue nặng, có sốc, tổn thương đa cơ quan. Trước đó vào đầu tháng 10, ca bệnh đầu tiên tử vong do SXH được ghi nhận tại phường Thới Hòa, TX.Bến Cát. Bệnh nhân sinh năm 1976, nhập viện ngày 1-10 và tử vong vào ngày 8-10 tại một bệnh viện ở TP.Hồ Chí Minh, được chẩn đoán sốc nhiễm trùng từ viêm phổi SXH dengue nặng, suy đa tạng, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp.

Theo ghi nhận của phóng viên tại TP.Thủ Dầu Một và TX.Bến Cát, ngay sau khi nhận được thông tin ghi nhận có ca bệnh tử vong do SXH, Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát phối hợp với địa phương tiến hành các hoạt động xác minh ca bệnh. Qua điều tra thực địa, khu vực gần địa chỉ bệnh nhân ở có vườn cây và một số vật chứa nước ngoài môi trường. Trung tâm Y tế đã phối hợp với Trạm Y tế, chính quyền địa phương xử lý vệ sinh môi trường; phát tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bệnh SXH cho người dân; diệt lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi trong vòng bán kính 200m.

Tăng cường phòng, chống SXH

Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết bệnh SXH vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh SXH đó là ý thức của người dân chưa cao, còn chủ quan, lơ là, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh và diệt lăng quăng (bọ gậy) - nguồn truyền bệnh quan trọng ngay tại hộ gia đình. Một bộ phận người dân do tâm lý chủ quan tự điều trị tại nhà nên dẫn đến biến chứng nhanh và tử vong.

Bước vào tháng cao điểm mùa dịch bệnh, cộng với thời tiết diễn biến bất lợi, các đợt nắng nóng kéo dài xen kẽ các đợt mưa lớn làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh. Ngành y tế tỉnh dự báo thời gian tới số ca mắc SXH sẽ tiếp tục gia tăng và bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống. Vì thế, để tăng cường phòng, chống dịch bệnh SXH, kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Trung tâm Y tế huyện, thị, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch bệnh; báo cáo về diễn biến tình hình dịch bệnh tại địa phương, tham mưu cho UBND huyện, thị, thành phố huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó các bệnh viện tuyến tỉnh chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế và các phương tiện cần thiết cho việc chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân SXH.

Theo các cán bộ phòng chống dịch bệnh, kinh nghiệm chống dịch bệnh SXH cho thấy, nếu phát hiện sớm và xử lý ổ dịch bệnh triệt để ngay từ ban đầu, kết hợp đồng bộ với các hoạt động chủ động khác như phun hóa chất diện rộng tại các điểm nguy cơ cao, củng cố và duy trì mạng lưới cộng tác viên tới từng nhà để tuyên truyền và phối hợp điều tra ca bệnh thì giảm đáng kể ca bệnh. Các hoạt động này cần phải thực hiện sớm mới phát huy hiệu quả cao. Tuy nhiên, kinh phí cho công tác phòng, chống SXH hiện nay vẫn còn rất hạn chế, một số địa phương kinh phí cấp muộn nên việc triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh chủ động và đáp ứng chống dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, Sở Y tế thường xuyên tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh SXH, hỗ trợ tuyến dưới trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

 Theo đánh giá của Sở Y tế, hiện nay bệnh SXH trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca bệnh và có thể đạt đến đỉnh vào những tháng cuối năm. Số liệu thống kê, tích lũy từ đầu mùa dịch bệnh đến tuần 44 của năm 2020, toàn tỉnh ghi nhận 4.015 ca mắc bệnh SXH; trong đó số ca bệnh tập trung nhiều ở các địa phương: TP.Thủ Dầu Một (836 ca), TP.Thuận An (786 ca), TX.Bến Cát (760 ca). Cũng trong tuần 44 của năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 46 ổ dịch, đã xử lý 36 ổ dịch còn lại 10 ổ dịch đang xác minh và phun hóa chất dập dịch trên diện rộng tại phường Mỹ Phước, TX.Bến Cát.

 KIM HÀ