Phòng, chống bệnh do vi rút Zika

Thứ tư, ngày 17/06/2020

(BDO) Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi truyền. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con. Khoảng 60 - 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, còn lại có biểu hiện, như: Sốt, ban dát sần trên da, đau đầu, mỏi cơ khớp, viêm kết mạc mắt gây đỏ và chảy nước mắt. Bệnh có thể gây ra những biến chứng như viêm não màng não, viêm đa dây thần kinh.

Đối với những người bình thường, đa số trường hợp bệnh không gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi vi rút Zika truyền từ mẹ sang con sẽ gây biến chứng cho trẻ, khiến trẻ bị đầu nhỏ, bại não, trí tuệ kém phát triển. Trẻ bị nhiễm vi rút này sẽ có nguy cơ tử vong sớm. Bệnh do vi rút Zika chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Năm 2016, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ban bố tình trạng Khẩn cấp y tế công cộng quốc tế về vi rút Zika. Thời điểm đó, vi rút Zika đã lây lan tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Những năm gần đây, nước ta vẫn ghi nhận ca mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, thành phố phía Nam. Trong năm 2020, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm của Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh do vi rút Zika tại Đà Nẵng.

Hiện nay, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, vì vậy người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp để phòng, chống bệnh do vi rút Zika như sau: Chủ động áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng, bọ gậy, diệt muỗi và phòng tránh muỗi đốt bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày... Đặc biệt là với phụ nữ mang thai hoặc dự định mang thai không nên đến các vùng đang có dịch bệnh Zika khi không cần thiết. Những người đến hoặc về từ vùng có dịch bệnh cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

BS. NGUYỄN THỊ DIỆU HƯƠNG (Trung tâm KSBT tỉnh)