Phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi: Tuyệt đối không chủ quan, lơ là
(BDO) Tại cuộc họp về tình hình phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) trên địa bàn tỉnh vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan, địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Ông cũng yêu cầu cần khẩn trương chi hỗ trợ người dân có heo bị tiêu hủy do bệnh DTHCP...
Tiêu hủy hơn 10.000 con heo
Tính đến hết ngày 20-6-2019, toàn tỉnh đã phát hiện 157 hộ/trại chăn nuôi tại 26 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị, thành phố trong tỉnh có hiện tượng heo chết bất thường, với tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy hơn 10.000 con. Trong số này, nhiều nhất là địa bàn huyện Phú Giáo với trên 5.640 con, kế đến là huyện Bắc Tân Uyên với 2.830 con heo bị tiêu hủy.
Nguyên nhân xảy ra tình trạng heo chết nói trên được xác định chủ yếu là do hiện nay trên địa bàn tỉnh có không ít hộ chăn nuôi heo trong khu vực không được quy hoạch; đa số hộ dân này sử dụng thức ăn thừa từ các bếp ăn công nghiệp, các quán ăn để chăn nuôi heo, tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm, phát tán mầm bệnh trong môi trường. Tỷ lệ tổng số heo chết và buộc phải tiêu hủy so với tổng đàn heo thống kê trên toàn tỉnh ước tính là 1,5%.
Bên cạnh đó, theo các ngành chức năng, tỉnh Bình Dương nằm cạnh 2 tỉnh đã xuất hiện bệnh DTHCP trước đó là Đồng Nai, Bình Phước; có quốc lộ 13 và quốc lộ 14 đi qua với nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa, động vật từ các tỉnh Tây nguyên, Bình Phước. Cùng với đó, Bình Dương có nhiều lao động đến từ các vùng miền trong cả nước đến làm việc, sinh sống. Đây là một trong những yếu tố làm phát sinh bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh.
Việc xử lý, tiêu hủy heo bị mắc bệnh được các ngành liên quan, địa phương trong tỉnh thực hiện tốt. Trong ảnh: Ngành chức năng xử lý heo chết ở huyện Phú Giáo. Ảnh: TIỂU MY
Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản, cho biết Bình Dương hiện có mật độ chăn nuôi heo tương đối lớn nên hoạt động mua bán, giết mổ heo của các thương lái diễn ra thường xuyên, dưới nhiều hình thức. Đồng thời, hiện đang là mùa mưa, là điều kiện thích hợp phát tán mầm bệnh trong môi trường thông qua dòng chảy nước mưa, phương tiện vận chuyển, làm lây lan bệnh DTHCP trên diện rộng.
“Hiện số lượng hộ/trại chăn nuôi có heo chết bất thường buộc phải tiêu hủy và số địa phương (cấp xã) trong tỉnh phát sinh bệnh DTHCP có chiều hướng tăng, gây áp lực rất lớn cho công tác khống chế dịch bệnh của ngành thú y. Trong thời gian tới, khả năng phát tán và lây lan bệnh DTHCP trên diện rộng là rất cao và bệnh DTHCP luôn đặt trong tình trạng khẩn cấp. Bệnh dịch có thể xảy ra ở các địa phương còn lại trong tỉnh, nhất là đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ, dọc các trục lộ giao thông, hộ chăn nuôi không bảo đảm an toàn sinh học và sử dụng thức ăn thừa. Bệnh dịch cũng có khả năng xâm nhập vào các trang trại quy mô lớn trên địa bàn tỉnh”, ông Cường nói.
Khẩn trương chi hỗ trợ
Theo ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trước thực trạng nói trên, sở, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản đã chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống bệnh dịch, đồng thời thành lập các đội kiểm tra liên ngành, đội kiểm tra thú y hoạt động 24/24 nhằm nắm bắt kịp thời và giám sát chặt chẽ tình hình sức khỏe đàn heo, thông tin dịch bệnh cũng như hướng dẫn người chăn nuôi các giải pháp phòng, chống và xử lý dịch bệnh…
Công tác tuyên truyền cũng được sở tăng cường góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp trong việc phòng, chống bệnh dịch, cũng như không tẩy chay thịt heo.
Ngay từ khi phát sinh ổ bệnh DTHCP đầu tiên tại huyện Phú Giáo, UBND tỉnh thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 12/2018/QĐ-UBND ngày 17-5-2018 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, bệnh dịch trên địa bàn tỉnh, với mức giá hỗ trợ là 38.000 đồng/kg trọng lượng heo tiêu hủy bắt buộc. Tiếp đó, các địa phương trong tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện mức hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh DTHCP theo Quyết định số 1481/QĐ-UBND ngày 3-6- 2019 của UBND tỉnh. Mức hỗ trợ thực hiện theo nhóm lứa tuổi heo, theo đó mức thấp nhất 300.000 đồng/con với heo con và cao nhất 4.500.000 đồng/con với heo nái, nọc. Kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi đến ngày 20-6-2019 ước tính khoảng 23 tỷ đồng.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp về tình hình phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh vừa qua, ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, ban, ngành liên quan, địa phương trong tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh dịch; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Các đơn vị liên quan, địa phương cần khẩn trương chi hỗ trợ người dân có heo bị tiêu hủy do DTHCP; phát hiện kịp thời, tránh trường hợp giấu dịch, tuân thủ đúng quy trình tiêu hủy nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Mai Hùng Dũng cũng chỉ đạo các ban, ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi, các cơ sở kinh doanh, giết mổ heo nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống bệnh dịch; khi phát hiện heo có dấu hiệu bệnh hoặc heo chết phải báo ngay cho cơ quan thú y gần nhất để có biện pháp kiểm tra, xử lý kịp thời, tuyệt đối không được tự ý xử lý, vận chuyển nơi khác hay bán chạy heo nhằm không để bệnh dịch lây lan diện rộng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi rà soát nhu cầu hỗ trợ kinh phí phòng, chống bệnh DTHCP trên địa bàn tỉnh, sở đã tổng hợp nhu cầu kinh phí ước tính là 333,474 tỷ đồng gởi Sở Tài chính xem xét, tham mưu UBND tỉnh. |
TIỂU MY