Phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi: Các địa phương thực hiện quyết liệt
(BDO) Ghi nhận cho thấy, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi đã và đang được các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt.
Phát hiện heo bệnh, xử lý ngay
Sáng sớm 24-5, ông Huỳnh Ngọc Nơi, ngụ tổ 8, ấp 3, xã Hội Nghĩa, TX.Tân Uyên, phát hiện trong chuồng nuôi 47 con heo có 1 con chết, 1 con bị bệnh bỏ ăn, lập tức ông báo cho cơ quan thú y địa phương. Sau đó, ông Trần Thanh Phong, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Tân Uyên cùng nhân viên phối hợp với chính quyền địa phương có mặt kiểm tra thực tế, lập biên bản và tiến hành mổ con heo chết để khám nghiệm. Kết quả bước đầu cho thấy, heo bệnh bỏ ăn có triệu chứng lâm sàng tiêu chảy, xuất huyết vùng bụng, bẹn; heo bệnh nằm yên một chỗ, không di chuyển, cử động; ruột xuất huyết, tụ huyết, gan bình thường, hạch, ruột, phổi, thận, lách... xuất huyết, đen; dưới da xuất huyết, đen; tim bình thường.
Đoàn kiểm tra lấy mẫu bệnh phẩm và gửi về Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh để xét nghiệm, có kết luận sớm theo quy định. Trước mắt, địa phương đã hướng dẫn ông Nơi thực hiện chôn lấp xác heo bệnh, rải vôi đúng quy định, đồng thời hạn chế người, phương tiện ra vào khu vực có heo bệnh. Chi cục cũng đề nghị ông Nơi phun xịt thuốc vệ sinh tiêu độc, kết hợp theo dõi diễn biến trên đàn heo, phối hợp chặt chẽ với nhân viên thú y cơ sở báo cáo kịp thời khi đàn heo có diễn biến khác thường.
Lực lượng chức năng tỉnh xử lý khử trùng phương tiện vận chuyển heo vào các lò giết mổ trên địa bàn. Ảnh: KHÁNH VINH
Ông Nguyễn Tấn Hà, cán bộ thú y xã Hội Nghĩa, cho biết thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bộ phận chuyên môn của xã đã phối hợp tiến hành phun xịt hóa chất khử trùng tiêu độc đúng quy định. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của xã còn thường xuyên kết hợp kiểm tra tình hình mua bán thịt tại các chợ, vận chuyển heo trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn chăn nuôi theo quy định.
Hiện toàn TX.Tân Uyên có 122 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ với 3.117 con, 84 trại nuôi tập trung (gia trại) với 17.019 con heo, 2 trại ứng dụng công nghệ cao với 4.600 con heo. Hiện các trại trên địa bàn đang thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn vệ sinh, tiêu độc định kỳ, đúng quy định.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chánh Văn phòng UBND huyện Bắc Tân Uyên, cho biết ngoài các kế hoạch, văn bản chỉ đạo phòng chống bệnh dịch tả heo châu Phi, UBND huyện đã chỉ đạo lập chốt kiểm dịch tại đầu cầu Thủ Biên - là địa bàn giáp ranh với tỉnh Đồng Nai. Huyện cũng lập tạm thời 5 chốt kiểm dịch tại các bến đò ngang qua lại giữa tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai trên địa bàn. Các trạm này chỉ dừng hoạt động khi bến đò ngừng hoạt động. Riêng trạm tại cầu Tam Lập nối huyện Bắc Tân Uyên với huyện Phú Giáo hoạt động 24/24 giờ, lực lượng chức năng kết hợp kiểm tra phun xịt thuốc vệ sinh tiêu độc nhằm bảo đảm cách ly giữa vùng có dịch và vùng an toàn.
Tăng cường tuyên truyền
Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TX.Bến Cát, cho biết từ đầu năm nay, trạm đã kiến nghị UBND thị xã ban hành Kế hoạch số 34/KH-UBND hành động ứng phó với dịch tả heo châu Phi.
Thực hiện kế hoạch nói trên, ngành chức năng đã hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền cách phòng chống bệnh dịch tả heo đến các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi trên địa bàn. Cùng với đó, trạm đề nghị nhân viên thú y xã, phường phối hợp với cán bộ tổ, ấp, khu phố phụ trách địa bàn theo dõi, kiểm tra dịch bệnh một khu vực nhất định
Tại huyện Bàu Bàng hiện có tổng đàn heo 237.591 con. Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi từ các tỉnh phía bắc có thể xâm nhiễm vào tỉnh nói chung và huyện Bàu Bàng nói riêng qua việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo và sản phẩm heo nhập lậu, không rõ nguồn gốc là rất cao. Trạm đã và đang tăng cường tuyên truyền cho bà con chăn nuôi heo nên hạn chế thức ăn dư thừa làm thức ăn cho heo, vệ sinh sát trùng, rắc vôi trước cổng ra vào… nhằm phòng chống bệnh dịch hiệu quả. Huyện còn thành lập tổ trực chốt kiểm dịch động vật liên ngành tạm thời tại cầu Tham Rớt, bảo đảm trực 24/24 giờ.
Là địa phương phát hiện ổ bệnh dịch heo châu Phi đầu tiên của tỉnh, ngay trong sáng 22-5, Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Giáo đã tổ chức họp triển khai phương án ứng phó với bệnh dịch. Tại cuộc họp, ông Phạm Văn Chánh, Bí thư Huyện ủy, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương quyết tâm, quyết liệt dập dịch; khi phát hiện ổ dịch mới kịp thời báo cáo huyện để xử lý; thực hiện tốt các nội dung của kế hoạch phòng chống bệnh dịch UBND huyện đã ban hành. Trước hết, các ngành phối hợp thành lập các chốt chặn tại địa phương có dịch và vùng giáp ranh, không để bệnh dịch lây lan sang khu vực lân cận.
Ông Vũ Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo - nơi đầu tiên trong tỉnh phát hiện bệnh dịch tả heo châu Phi, cho hay sau khi phát hiện 2 ổ dịch đầu tiên, xã đã phát hiện thêm một hộ dân có heo nhiễm bệnh dịch tả châu Phi. Sau đó, xã đã kiểm kê, khử trùng và báo cáo cấp trên để xử lý. Địa phương cũng đã vận động 23 trang trại, hơn 100 nông hộ chăn nuôi với tổng đàn hơn 20.000 con heo trên địa bàn không bán chạy, bán tháo đàn, kịp thời thông báo tình trạng bệnh lý, vật nuôi trang trại mình để ngăn chặn bệnh không để lây lan.
Trước tình hình cấp bách về dịch bệnh trên địa bàn, địa phương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra thông báo khẩn đến người dân chăn nuôi về tình hình bệnh dịch tả heo châu Phi nhằm tránh tâm lý bất an cho người chăn nuôi, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong cách phòng, chống.
Kiểm soát nguồn gốc đàn heo
Ông Phạm Văn Dũng, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TX.Dĩ An, cho biết trạm đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gia súc nhập vào các lò giết mổ. Qua kiểm tra thời gian qua cho thấy, tất cả heo sống nhập vào các lò trên địa bàn đều có giấy kiểm dịch và có nguồn gốc rõ ràng. Trạm cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên ngành kiểm tra sản phẩm động vật, nếu phát hiện sản phẩm thịt heo không có dấu kiểm soát giết mổ, kết quả giấy tờ truy xuất nguồn gốc đơn vị sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, để làm tốt công tác ngăn chặn không cho bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhập vào địa bàn thị xã, trạm đã phân công nhiệm vụ ban thú y và các cộng tác viên tại các phường nắm sát tình hình dịch bệnh và báo cáo cho trạm; khi phát hiện dấu hiệu heo chết bất thường hoặc có đặc điểm của bệnh dịch tả heo châu Phi thì báo ngay cho trạm để có hướng xử lý kịp thời.
Để chủ động ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi, các ngành, các cấp huyện Dầu Tiếng đã và đang tích cực thực hiện các biện pháp đã đề ra. Theo đó, hiện địa phương đã thành lập 3 chốt trọng điểm kiểm dịch động vật lưu động tại cầu Bà ở xã Minh Thạnh, cầu mới ở xã Định Thành và cầu Tàu ở thị trấn Dầu Tiếng. Đây là những điểm cửa ngõ lưu thông, giáp ranh với tỉnh Bình Phước và Tây Ninh; đồng thời thành lập 12 địa điểm xử lý tiêu hủy gia súc, gia cầm khi xảy ra bệnh tại 12 xã, thị trấn. Tất cả các chốt này huyện giao cho các xã, thị trấn quản lý, với nhiệm vụ trực 24/24 giờ nhằm kiểm tra, giám sát, không để các phương tiện vận chuyển heo và sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận kiểm dịch vào địa bàn huyện…
Bên cạnh đó, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dầu Tiếng còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể của địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch nhằm không để lây lan; cùng với đó hướng dẫn, cung ứng trang thiết bị, vật tư, nhân lực để thực hiện chống dịch hiệu quả, góp phần bảo đảm phát triển sản xuất, chăn nuôi của địa phương.
Ngăn chặn nhiều trường hợp vận chuyển heo không rõ nguồn gốc Hôm qua, Đội kiểm tra liên ngành tỉnh phối hợp với lực lượng địa phương tổ chức chốt chặn trên tuyến Quốc lộ 1K, phường Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An, kết quả đã phát hiện, xử lý 6 trường hợp vận chuyển thịt heo không đúng quy định. Đoàn kiểm tra đã thu giữ, tiêu hủy 460kg thịt heo vi phạm và phạt hành chính các trường hợp vị phạm 1 triệu đồng. Đại diện đoàn kiểm tra cho biết, số thịt heo bị bắt giữ không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không dấu kiểm soát giết mổ; hầu hết thịt heo được vận chuyển bằng phương tiện rất thô sơ, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm... TIỂU MY |
D.CHÍ - T.PHƯƠNG - K.VINH - P.AN - H.NGA