Phòng chống bạo lực học đường: Cần lắm những buổi tư vấn

Thứ ba, ngày 27/04/2010
Cô Thúy đã khơi mào: Các em cần làm gì để phòng chống blhđ? Ngay sau đó, hàng chục HS đã đưa ra những quan điểm riêng như: Không gây mâu thuẫn, biết nhường nhịn, dùng lời nói ngọt ngào để thuyết phục đối phương, đoàn kết... Theo cô Thúy, tất cả những suy nghĩ của các em đều đúng cả. Để không bị bạn đánh, tốt nhất các em không nên kiếm chuyện hoặc gây mâu thuẫn với bạn. Muốn vậy, HS cần có kỹ năng sống, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Chạy cũng là một nghệ thuật để phòng chống bạo lực. Nếu thấy có đánh nhau, tốt nhất các em cần chạy để tránh bị vạ lây, nếu bị đánh càng phải chạy nhanh. Vì nhiều em đánh bạn khi được công an mời đến, khi được hỏi lý do vì sao, các em cho biết do lúc đó nóng nảy, không kiềm chế được nên đã đánh bạn. Một cách khác để bảo vệ khi bị đánh là kêu to để cầu cứu sự giúp đỡ của người khác. Học võ cũng là cách để bảo vệ bản thân khi bị kẻ xấu tấn công, nhưng còn một loại võ khác cũng khá lợi hại là “võ mồm”, đó là khả năng ăn nói. Dân gian thường có câu “nói ngọt lọt đến xương”, nếu các em biết dùng lời nói ngọt ngào để xoa dịu đối phương thì chiến tranh khó mà xảy ra được. Các em đoàn kết với nhau cũng là biện pháp tốt để không bị cô lập và được mọi người chở che, bảo vệ nếu chẳng may có người gây hiềm khích. Em Nguyễn Mai Kim Cương vẫn còn băn khoăn: Em không gây mâu thuẫn với bạn, nhưng nếu bị bạn kiếm chuyện thì xử lý thế nào? Cô Thúy truyền đạt kinh nghiệm: Nếu có người hung hăng với mình, các em nên tìm cơ hội để tránh đi, nhưng mặt phải bình thản để không bị đánh. “Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, đợi đến khi bạn đã nguôi ngoai thì các em có thể trực tiếp đi gặp đối tượng để hỏi nguyên nhân vì sao bạn kiếm chuyện, hoặc nhờ bạn bè thăm dò, tìm ra mâu thuẫn để giải quyết. Nhiều HS nhìn nhận, những bạn bị đánh là do “chảnh”, nói xấu người khác, hoặc kiêu căng, tuy nhiên vẫn có bạn bị đánh vì những lý do vô cớ. Thế nên, cô Thúy đã có lời khuyên, tác phong quan trọng lắm, người không nghiêm túc hoặc thiếu tự tin dễ bị trêu chọc. Vì thế, để không bị chọc, bị đánh, các em phải biết hòa đồng với mọi người, ăn mặc không khác biệt... Cuối cùng, cô Thúy đã đúc kết: Các em có nhiều nguy cơ bị bạo lực, nhưng người bảo vệ các em không ai khác chính là các em. Tốt nhất là phòng hơn chống, phòng từ xa những nguy cơ có thể bị xâm hại và đừng bao giờ buông xuôi để người khác đánh mình. Em Nguyễn Thị Hà Tiên, một HS lớp 8 bày tỏ: “Qua buổi nói chuyện hôm nay, bản thân em đã có được những thông tin quý giá để tự bảo vệ bản thân và sống tốt hơn. Sau này, em và các bạn sẽ là những hạt nhân nòng cốt tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm với các bạn để phòng chống blhđ”. Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (BVCSTE), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, phòng phối hợp với các huyện, thị tổ chức nhiều hoạt động BVCSTE. Từ nay đến tháng 5, sở phối hợp với Học viện Hành chính quốc gia TP.HCM tổ chức các buổi nói chuyện cho HS về kỹ năng sống; đối với cha mẹ là kỹ năng dạy con, phòng ngừa để trẻ không bị xâm hại tình dục, tính mạng. Buổi nói chuyện là cơ hội để HS giải bày tâm tư, bày tỏ những bức xúc, nhất là về phòng chống blhđ hiện nay. Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn, trang bị những kiến thức cần thiết về kỹ năng sống, ngoài những gì các em đã được học ở trường và sự giáo dục từ phía gia đình. HỒNG THÁI