Phòng cháy, chữa cháy: Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn...
(BDO) Là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) luôn được Bình Dương chú trọng. Với những yêu cầu trong tình hình mới, công tác PCCC được tỉnh tiếp tục quan tâm nhằm bảo đảm cuộc sống an toàn của người dân cũng như quá trình phát triển đô thị văn minh, hiện đại.
Thời gian qua, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh đã được tăng cường với sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng tại các cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về PCCC được các cơ quan, đơn vị, ban ngành, địa phương đặc biệt chú trọng; lực lượng PCCC các cấp được củng cố, tăng cường. Thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, Cảnh sát PCCC tỉnh đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm các điều kiện về an toàn về phòng chống cháy nổ. Đồng thời, tỉnh rất chú trọng đến việc đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác PCCC. Chính vì vậy, thời gian qua, đa số các vụ cháy đã được lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng dân phòng xử lý kịp thời và dập tắt ngay đám cháy khi mới phát sinh, qua đó hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy gây ra. Theo lực lượng PCCC, nguyên nhân của những vụ cháy trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là do các sự cố về hệ thống điện, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt, sự cố kỹ thuật trong quá trình sản xuất…
Lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh phối hợp với doanh nghiệp
tổ chức diễn tập PCCC. Ảnh: Q.CHIẾN
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực, những vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng đã gây ra nhiều tâm lý lo lắng cho người dân, doanh nghiệp. Điển hình như vụ cháy gây chết 4 người trong một gia đình tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một vào đầu năm nay đã gây bàng hoàng cho nhiều người. Công tác triển khai chữa cháy đã được lực lượng PCCC tỉnh thực hiện nhanh chóng nhưng vụ cháy đã gây ra hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân được xác định là do chập điện. Từ sự việc cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trên và những vụ việc cháy trước đó đã cho thấy ý thức về PCCC trong người dân vẫn còn nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Thủy, người dân tại khu phố 3, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cho biết, hiện nay ý thức người dân trong việc PCCC là chưa cao, nên khi xảy ra cháy đều bị động và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, lượng người từ các địa phương khác đến sinh sống, làm việc ngày càng đông, áp lực về nhà ở là rất lớn. Vì vậy, tại một số địa phương đã xuất hiện các khu dân cư tự phát. Trong khi đó, các khu dân cư tự phát này, việc xây dựng nhà ở chưa được cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ, nhiều khu đường đi vào rất hẹp, nếu có xảy ra cháy nổ các xe chuyên dụng để chữa cháy sẽ rất khó tiếp cận. Bên cạnh đó, một số khu nhà trọ có số lượng phòng nhiều, việc trang bị các phương tiện chữa cháy vẫn chưa bảo đảm, ý thức phòng cháy của các hộ dân tại các khu nhà trọ là chưa cao nên còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Người dân rất mong trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần quan tâm đến công tác PCCC đối với các đối tượng này.
Một trong những đối tượng gây nguy cơ cháy nổ cao xuất hiện ngay tại các khu dân cư gây tâm lý lo lắng cho người dân chính là các điểm tập kết thu mua phế liệu. Thời gian qua, việc kinh doanh buôn bán phế liệu đã được các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý tuy nhiên vẫn chưa triệt để. Nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu không bảo đảm an toàn vẫn xuất hiện và hoạt động. Theo ghi nhận của chúng tôi, các cơ sở kinh doanh phế liệu không chỉ xuất hiện tại các con đường lớn mà còn xuất hiện trong nhiều tuyến hẻm tại các khu vục đô thị, thậm chí còn xuất hiện tại các khu dân cư. Tại các cơ sở này các loại vật liệu dễ cháy như nylon, thùng giấy các tông, vải vụn, nhựa được chất cao thành đống trong các mái nhà tôn tạm bợ, dây điện loằng ngoằn.
Bà Lê Thị Phương, khu phố 7, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một cho biết, những người dân như bà khá lo lắng về sự xuất hiện của các cơ sở thu mua vật liệu không bảo đảm các điều kiện kinh doanh. Nhiều cơ sở không được quản lý tốt đã gây ra những nguy hại về vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như khả năng xảy ra cháy nổ do nhiều vật liệu tại các điểm thu mua này rất dễ bắt lửa. “Người dân chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, không để các cơ sở mới mọc lên cũng như có sự phối hợp tốt với cơ quan chức năng thực hiện theo đúng chủ trương về an toàn phòng chống cháy nổ. Các địa phương, cơ quan chức năng cần sớm di dời cơ sở thu mua phế liệu ra khỏi khu vực dân cư để bảo đảm môi trường sống và an toàn cháy nổ trong các khu dân cư”, bà Phương kiến nghị.
Có thể thấy, công tác PCCC trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Kết quả này chính là sự cố gắng liên tục của cả hệ thống chính trị và người dân trong suốt thời gian dài. Những kinh nghiệm, kết quả đã đạt được trong thời gian qua chính là tiền đề cơ bản để công tác PCCC của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn với mục tiêu bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân cũng như bảo đảm cho Bình Dương phát triển trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy vậy, để hỏa hoạn không còn là nỗi lo của người dân, doanh nghiệp, vẫn cần có những giải pháp phòng chống hữu hiệu; “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn”; “Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân”, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
C.SƠN