Phòng bệnh vẹo cột sống cho học sinh
(BDO) Những năm gần đây, trẻ nhỏ trong độ tuổi học sinh đến khám bệnh và phát hiện bị vẹo cột sống ở Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh khá nhiều. Con số phát hiện này càng ngày càng nhiều hơn và đa số phát hiện các em đều vẹo cột sống chức năng (thường do tư thế ngồi không đúng gây ra).
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do trẻ em ngày nay đầy đủ chất dinh dưỡng nên thể chất cũng phát triển cao hơn. Trong khi đó, kích cỡ bàn học của các em so với trước đây vẫn như cũ, chưa có sự thay đổi cho phù hợp với chiều cao của các em hiện nay. Bên cạnh đó, độ sáng đèn điện khi các em học bài không phù hợp cũng dễ làm các em bị cận thị, ngồi học không đúng tư thế nên dễ dẫn đến vẹo cột sống.
Một khi bị vẹo cột sống, tư thế đi đứng của các em sẽ bị thay đổi, mất cân đối và thường các em đi hơi nghiêng về một bên. Không những thế, vẹo cột sống còn làm thay đổi cấu trúc cơ thể, đẩy nội tạng, làm cho nội tạng bị chèn ép. Việc điều trị phục hồi cũng làm mất thời gian rất lâu, tốn kém chi phí. Do đó, để phòng cho các em không mắc phải chứng vẹo cột sống, thiết nghĩ, nhà trường nên thay đổi bàn ghế để phù hợp với tầm vóc của trẻ em hiện nay. Trong các tiết học thể dục, nên có những bài tập riêng về thể lực tốt cho cột sống như tăng cường môn bơi lội. Tăng độ sáng để giảm tỷ lệ cận thị ở lứa tuổi học sinh. Cần quan tâm chú ý ngay từ khi các em bắt đầu đi học, nếu thấy các em có những dấu hiệu như đi hơi nghiêng, phát triển không cân đối, thay đổi tư thế đi… thì nên đưa các em đi khám sớm để phát hiện, điều trị phục hồi cột sống cho các em.
(Bác sĩ Lại Văn Thăng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh)
H.TH (ghi)