Phòng bệnh tay chân miệng: “4 biết, 3 sạch”

Thứ hai, ngày 21/11/2011

Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng (TCM) ở khu vực phía Nam tại TP.HCM, qua đó nhận định tình hình bệnh và đưa ra các biện pháp đối phó.

Dịch TCM tập trung ở phía Nam

Theo Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 90.189 trường hợp mắc bệnh TCM tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Và tính đến thời điểm hiện nay đã có 153 trường hợp tử vong tại 28 tỉnh, thành. Các tỉnh có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ngãi, Bến Tre, Hòa Bình, Tây Ninh, Vĩnh Long, Kon Tum… Trong đó các tỉnh có số ca tử vong/100.000 dân cao nhất là Ninh Thuận, Bạc Liêu, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP.HCM. Phần lớn số ca mắc bệnh TCM chủ yếu rơi vào trẻ dưới 5 tuổi chiếm 91%, theo ghi nhận số ca mắc bệnh ở trẻ nam cao hơn trẻ nữ và tập trung nhiều hơn ở các hộ gia đình chiếm hơn 76%.

  Bệnh nhân bị tay chân miệng đã được điều trị tại BVĐK tỉnh

Tại Bình Dương, bệnh TCM bắt đầu xuất hiện từ đầu năm 2011 và số lượng bệnh nhân liên tục gia tăng. Tính đến thời điểm này, bệnh đã xảy ra ở 7/7 huyện, thị với số mắc hơn 2.400 ca với 11 trường hợp tử vong. Thời gian qua bệnh TCM tản phát trong cộng đồng, chưa tập trung thành ổ dịch nên công tác phòng, chống, ngăn chặn dịch gặp không ít khó khăn.

Nhận định tình hình diễn tiến dịch TCM năm nay, tiến sĩ Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Trưởng tiểu ban Giám sát, chống dịch cho biết: Năm nay dịch TCM tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam khi số mắc cao nhất chiếm 58.717 trường hợp, trong đó số ca tử vong là 133. Các tỉnh có tỷ lệ tử vong cao tính trên 100.000 dân dẫn đầu là Đồng Nai có tỷ lệ 1,0, Bạc Liêu là 0,9, Ninh Thuận là 0.68, Bình Dương là 0,64, Hậu Giang là 0,63…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bệnh TCM do virus đường ruột gây ra và lây truyền theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Trong khi hiện nay, bệnh TCM vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, không có thuốc đặc trị đặc hiệu. Chính vì vậy, ý thức phòng bệnh trong cộng đồng phải được nâng cao. Trong đó tuýp vi rút gây bệnh TCM do EV 71 chiếm 54%, đây là loại vi rút có độc lực cao thường gây bệnh với biểu hiện lâm sàng nặng và có nguy cơ gây tử vong cao trong vòng 24 giờ.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, từ cuối tháng 10-2011, bệnh TCM bắt đầu có chiều hướng giảm và trong 2 tuần đầu tháng 11 này thì gần như giảm hẳn. Tuy nhiên một số địa phương, số ca mắc TCM mới vẫn không giảm.

Hiện nay dịch TCM đã lây lan ra cộng đồng, do đó biện pháp tuyên truyền vẫn quan trọng nhất. Để chủ động phòng chống bệnh TCM cần phải tập trung tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát kiểm tra, xử lý ổ dịch TCM. Đặc biệt tăng cường hơn nữa công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống TCM nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM tại hộ gia đình, nhà trẻ, mẫu giáo; chú ý cung cấp kiến thức, kỹ năng rửa tay sạch nhiều lần trong ngày bằng xà phòng cho trẻ, mẹ và người chăm sóc trẻ thì mới có thể phòng bệnh hiệu quả.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND các tỉnh, các ban, ngành đoàn thể phải chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc người dân thực hiện đúng theo hướng dẫn phòng chống dịch của Bộ Y tế. Đặc biệt, phải chú trọng đẩy mạnh công tác truyền thông. Cụ thể trong thời gian tới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cần đẩy mạnh tuyên truyền 4 biết: Biết nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em dưới 5 tuổi, biết ăn sạch, biết ở sạch và biết cách cho trẻ chơi sạch, biết nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do thời tiết nắng nóng, biết chưa có thuốc đặc trị, chưa có vắc xin phòng bệnh. Đồng thời thực hiện nguyên tắc 3 sạch đó là: ăn sạch, ở sạch và các đồ chơi của trẻ phải sạch. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh cung cấp xà phòng cho những hộ gia đình có trẻ nhỏ dưới 5 tuổi ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn.

  T.Phương - N.Hiếu