Phòng bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng: Ý thức trách nhiệm với cộng đồng giữ vai trò quan trọng
(BDO) Còn tình trạng ra quân hình thức
Diệt lăng quăng, bọ gậy là biện pháp phòng bệnh SXH hiệu quả và bền vững nhất. Vừa qua, một số địa phương trong tỉnh đã tổ chức ra quân chiến dịch tổng vệ sinh môi trường tại các địa bàn trọng điểm có dịch bệnh SXH, TCM diễn biến phức tạp. Điển hình tại phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên, lực lượng y tế, cán bộ khu phố, tổ dân phố, cộng tác viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân đã tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, hướng dẫn các hộ gia đình loại bỏ dụng cụ chứa nước có bọ gậy, quét dọn, thu gom loại bỏ các loại phế thải, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh; phun thuốc diệt muỗi và phát hàng ngàn tờ rơi để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch bệnh, nhất là cách diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy...
Theo đó, các hộ gia đình và các cơ quan đứng chân trên địa bàn phường đồng loạt ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu gom toàn bộ vật phế thải chứa nước, xử lý dụng cụ chứa nước, loại trừ ổ bọ gậy như đậy kín, thả cá hoặc bỏ muối vào chum vại, bể nước, cây cảnh; lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, máng nước; thu dọn các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo. Tình hình sốt xuất huyết trên địa bàn thị xã từ đầu năm đến nay đang có dấu hiệu tăng trở lại. Một số xã, phường có diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát dịch. Trung tâm Y tế thị xã đang tăng cường công tác giám sát bệnh nhân, xác định và tiến hành xử lý triệt để các ổ dịch XSH; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất cho công tác chữa trị, phun thuốc ổ dịch để hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch bệnh gây ra.
Người dân xử lý các vật dụng chứa nước diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống sốt xuất huyết
Qua ghi nhận thực tế từ chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường cho thấy chính quyền, đoàn thể một số địa phương còn coi nhẹ chiến dịch nên thực hiện có phần hình thức, qua loa. Có những địa phương huy động đủ ban ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường nhưng các đại biểu chỉ đến dự lễ ra quân rồi về, không trực tiếp đến từng nhà, từng khu phố để tuyên truyền, hướng dẫn người dân phòng, chống SXH, làm vệ sinh môi trường. Có địa phương báo cáo thường xuyên, định kỳ ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, bọ gậy nhưng khi đoàn kiểm tra đến tận nơi thì vật dụng phế thải vẫn ứ đọng đầy nước, rác ngập tràn.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy tình trạng ra quân dọn vệ sinh môi trường theo kiểu có dịch thì làm, không có thì thôi, thiếu tính đồng bộ, liên tục vẫn diễn ra ở các địa phương. Một số địa phương có phát động thì thực hiện nhưng sau đó lại “đâu vào đấy”. Thậm chí ở nhiều hộ gia đình chỉ chú ý dọn dẹp vệ sinh trong nhà mình mà không quan tâm đến môi trường xung quanh, coi đó là trách nhiệm của các ngành chức năng, đoàn thể.
Bệnh SXH gia tăng ca tử vong
Tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.167 ca mắc SXH, so với cùng kỳ năm 2021 giảm nhưng số ca tử vong tăng là 5 ca. Các địa phương có số ca mắc, tử vong cao là TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TX.Tân Uyên, TP.Thủ Dầu Một, TX.Bến Cát. Trong khi đó, bệnh TCM toàn tỉnh ghi nhận 490 ca, không có ca tử vong. Theo các địa phương, thời gian qua do tỉnh áp dụng các biện pháp vệ sinh, khử khuẩn phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đã phần nào làm kéo giảm số ca mắc bệnh TCM.
Hiện tại, TP.Dĩ An đang lưu hành chủng vi rút Dengue 2 - chủng vi rút SXH có khả năng chuyển nặng cao nhất dẫn đến số ca mắc chuyển nặng của địa phương tăng gấp 10 lần so với những năm trước đây. Tính đến thời điểm này, TP.Dĩ An ghi nhận 104 ổ dịch, 410 ca SXH, trong đó số ca chuyển nặng trạng thái sốc SXH là 25 ca và nhiều trường hợp chuyển nặng chưa thể giám sát hết. Hiện 2 phường có số ổ dịch cao nhất là phường Tân Đông Hiệp và Tân Bình. Tuy nhiên, các phường khác số ca mắc vẫn đang ở ngưỡng rất cao so với các năm trước. Toàn thành phố có 4 ca tử vong do SXH (có tới 3 ca tử vong là trẻ em) gồm 2 ca ở phường Tân Bình và 2 ca ở khu phố Đông Chiêu, phường Tân Đông Hiệp.
Các ban ngành, đoàn thể TX.Tân Uyên phối hợp ra quân phát tờ rơi, tuyên truyền người dân phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng. Ảnh: KIM HÀ
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết hiện nay bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin để phòng bệnh. Biện pháp chủ yếu, hiệu quả là diệt bọ gậy, không có bọ gậy thì không có SXH. Trước tình hình SXH có xu hướng gia tăng nhanh và diễn biến phức tạp, ngành y tế đã chỉđạo các cơ sở, đơn vị trực thuộc điều tra, giám sát và xửlý ổdịch. Các biện pháp điều trị bệnh nhân, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành của ngành y tế chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài thì diệt lăng quăng, bọ gậy mới là giải pháp bền vững và hiệu quả. Thực hiện tốt giải pháp này đòi hỏi sự chung tay của các ngành, đoàn thể, địa phương và người dân.
KIM HÀ