Phòng bệnh Sốt xuất huyết: Quan trọng là sự chung tay của người dân
(BDO) Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue gây ra và muỗi vằn là trung gian truyền vi rút từ người bệnh sang người lành. Diệt muỗi, diệt lăng quăng là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất và để làm được điều đó cần sự chung tay vào cuộc của mọi người, mọi nhà…
Đoàn viên thanh niên tham gia thu gom vật liệu phế thải phòng chống bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika trên địa bàn Ảnh: H.THUẬN
Những năm gần đây, thời tiết thay đổi thất thường là điều kiện thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát triển và lây lan trong cộng đồng, trong đó có bệnh SXH. Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết bệnh SXH trên địa bàn tỉnh tăng mạnh trong năm 2015 và kéo dài đến đầu năm 2016. Năm 2015, tỉnh Bình Dương ghi nhận 5.991 ca mắc SXH, 14 ca tử vong; tỷ lệ mắc trên 100.000 dân là 303,87, tăng gấp 2,16 lần so với cùng kỳ 2014 và tăng 13 ca tử vong. Theo dự báo, tình hình SXH vẫn diễn tiến phức tạp và có thể tiếp tục tăng trong năm 2016.
Phòng chống bệnh SXH là việc làm thường xuyên của ngành y tế và luôn được tỉnh quan tâm. Trong những năm qua, UBND tỉnh luôn chỉ đạo sát sao công tác phòng chống SXH bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Từ năm 2011 đến nay, ngành y tế đã tham mưu UBND tỉnh triển khai chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và truyền thông phòng chống dịch bệnh SXH và tay chân miệng, với sự tham gia của nhiều sở, ban ngành, các địa phương và cộng đồng dân cư. Thời gian qua, chiến dịch đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng chống dịch bệnh SXH. Năm nay, tiếp tục duy trì chiến dịch tổng vệ sinh môi trường và hưởng ứng chiến dịch do Bộ Y tế phát động, Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND tỉnh tổ chức lễ phát động chiến dịch “Nhà nhà diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống dịch bệnh so vi rút Zika và SXH”. Chiến dịch huy động nhiều lực lượng tham gia, tập trung quyết liệt vào các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng. Hoạt động này được duy trì hàng tuần đến cuối năm nhằm đưa việc diệt lăng quăng trở thành hoạt động thường xuyên trong nhận thức, hành động của mỗi gia đình, mỗi người dân. Để phòng bệnh SXH hiệu quả, ông Huỳnh Thanh Hà cũng đã đề nghị từng hộ gia đình, mỗi người dân, mỗi tuần hãy dành thời gian ít nhất từ 15 - 30 phút để kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các vật dụng chứa nước trong và xung quanh nhà bằng cách thường xuyên cọ rửa vật dụng chứa nước sinh hoạt, lật úp hoặc đập bỏ các vật dụng có thể chứa nước không cần thiết; thu gom, xử lý tất cả vật phế thải để không cho muỗi đẻ trứng. Khi có dịch bệnh xảy ra, phối hợp và tạo điều kiện cho ngành y tế phun hóa chất diệt muỗi, bảo đảm 100% các hộ gia đình trong vùng dịch được phun hóa chất.
Trung gian truyền bệnh SXH là muỗi vằn Asdes aegypti. Muỗi nhiễm vi rút do hút máu ở người bệnh rồi truyền cho người lành. Do đó, bệnh SXH rất dễ bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Và khi xảy ra dịch rất khó khống chế do các ổ chứa lăng quăng trên địa bàn tỉnh có số lượng rất nhiều và rất đa dạng. Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. “Không có lăng quăng, không có SXH”, do đó, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tích cực diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Để làm được điều này, sự tự giác và hưởng ứng tích cực của mỗi nhà, mỗi người dân là rất quan trọng. Ông Huỳnh Thanh Hà nói: “Việc diệt muỗi, diệt lăng quăng có thể cùng lúc phòng được bệnh do vi rút Zika và SXH. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, vật chứa nguy cơ/ổ bọ gậy, lăng quăng trên địa bàn tỉnh đa dạng, nhân lực ngành y tế, kể cả phối hợp các ban ngành vẫn không thể thực hiện được việc hủy các vật chứa nguy cơ/ổ bọ gậy, lăng quăng. Việc phun hóa chất chỉ diệt được muỗi trưởng thành mà không diệt được trứng muỗi/lăng quăng, do đó muỗi vẫn tiếp tục sản sinh ra sau khi phun thuốc. Chính vì vậy, người dân tự loại bỏ các vật chứa nguy cơ trong nhà, xung quanh nhà (vỏ chai, vỏ dừa, chậu bể, vỏ xe…), súc rửa bình hoa thường xuyên, bỏ muối ăn vào chân chạn, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, ngủ màn… sẽ có tác dụng rất cao trong việc phòng chống dịch bệnh bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika”
Để nâng cao ý thức cộng đồng và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong phòng chống bệnh SXH tại các nước trong khu vực ASEAN, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổ chức ASEAN cùng 10 nước thành viên ASEAN đã thống nhất chọn ngày 15-6 hàng năm là Ngày ASEAN phòng chống SXH. Ngày ASEAN phòng chống SXH năm 2016 có chủ đề: “Cộng đồng chung tay: Đẩy lùi SXH, thành công bền vững”.
HỒNG THUẬN