Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Thứ ba, ngày 18/07/2017

(BDO) Theo ghi nhận của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước có hơn 45.000 ca mắc sốt xuất huyết (SXH). Đáng lo ngại hơn, số người tử vong từ bệnh này cũng gia tăng so với cùng kỳ năm trước. Càng quan tâm hơn, Bình Dương là một trong những địa phương phía Nam có số ca SXH cao.

SXH là bệnh lây truyền do muỗi vằn gây ra. SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng và phòng chống muỗi đốt. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Bệnh này có thể xảy ra quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa. Ở thời điểm hiện tại, số bệnh nhân tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Nam và miền Trung.

Chủ động phòng chống bệnh, từ đầu năm Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo sở y tế các tỉnh, thành tăng cường các biện pháp tuyên tuyền, phòng chống bệnh cho nhân dân. Tại Bình Dương, trước tình hình dịch SXH đang có chiều hương tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, các cơ sở y tế tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh, không để bệnh SXH bùng phát trên địa bàn. Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị cho bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do SXH; thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.

Thể hiện trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành cũng thường xuyên tổ chức chiến dịch phun hóa chất, diệt lăng quăng, bọ gậy, đồng thời tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về giám sát bệnh, tập huấn về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân. Ngoài ra, ngành cũng chuẩn bị thuốc, vật tư, trang thiết bị… bảo đảm đủ nhu cầu để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch chủ động, đạt hiệu quả.

Thời tiết thất thường, nắng mưa không ổn định là thời điểm thuận lợi cho muỗi gây bệnh SXH hình thành và phát triển. Để giảm số người mắc và tử vong do SXH, ngành y tế và người dân nên tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh. Ngành chức năng cần tập trung thực hiện tốt công tác giám sát dịch bệnh, đặc biệt là việc sớm phát hiện các ca mắc bệnh, kịp thời khoanh vùng xử lý ổ dịch; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động phòng, chống dịch, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh…. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bên cạnh đó, người dân cũng cần chủ động diệt mầm mống phát sinh muỗi, tạo thói quen ngủ mùng…. Có như thế mới hạn chế được số ca mắc mới, góp phần hạn chế được dịch bệnh.

VĂN HIỆP