Phối hợp tìm nguồn lao động cho doanh nghiệp
(BDO) Cùng với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đang phối hợp với 180 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng hàng chục ngàn lao động, đưa thông tin tuyển dụng đến 28 tỉnh, thành trong cả nước để tìm nguồn lao động.
Công ty TNHH May mặc Leading Star (TP.Thuận An) đưa ra mức thu nhập 12 triệu đồng/người/tháng và đang tuyển dụng 1.000 lao động
Nỗ lực phối hợp tìm lao động cho DN
Dù đã bước sang quý II-2024, nhưng nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hụt nguồn nhân lực để đáp ứng đơn hàng, mở rộng sản xuất. Bên cạnh ưu tiên cho những lao động có tay nghề, các DN vẫn cần tuyển dụng lao động phổ thông để đào tạo, đáp ứng công việc. Các DN ngành dệt may, giày da, gỗ... là những đơn vị cần tuyển từ vài trăm đến vài ngàn lao động phổ thông.
Bà Lưu Tịnh Uyển, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Esprinta Việt Nam (KCN Sóng Thần 2, TP.Dĩ An) chia sẻ: “Bước sang năm 2024, nhiều DN ngành dệt may, giày da có đơn hàng trở lại nên cần tuyển dụng số lượng lao động lớn. Dù đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm đăng tuyển từ đầu năm, nhưng đến nay DN chúng tôi vẫn đang thiếu hàng trăm lao động. Công ty đưa ra mức lương, phụ cấp khá tốt và nhận cả lao động không có tay nghề để đào tạo...”.
Để giúp các DN có đủ nguồn lao động, từ sau Tết Nguyên đán 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh liên tục cập nhật danh sách tuyển dụng lao động của các DN lên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, website để kết nối cung cầu việc làm. Ông Đoàn Nam Lê Thiện, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Dĩ An, cho biết: “Nhờ có sự phối hợp với công đoàn cơ sở tại các DN nên chúng tôi ghi chép cẩn thận số lao động cần tuyển, số lao động thuộc nhóm, ngành cần tuyển dụng để báo về LĐLĐ tỉnh. Cùng với đó, chúng tôi tích cực đăng tải thông tin tuyển dụng của DN lên các hội, nhóm công đoàn, thông báo thông tin tuyển dụng đến từng khu nhà trọ, giúp DN và người lao động kết nối cung cầu việc làm”.
Mới đây, qua thông tin tuyển dụng từ các cấp công đoàn trong tỉnh, LĐLĐ tỉnh đã có thống kê tuyển dụng của 180 DN với hơn 22.000 lao động trên địa bàn. Trong đó, có thống kê chi tiết số lao động cần tuyển dụng tại từng DN, ngành nghề, số điện thoại của bộ phận tuyển dụng tại mỗi DN. Qua đó, LĐLĐ tỉnh đã có văn bản phối hợp kèm theo danh sách tuyển dụng gửi đến LĐLĐ của 28 tỉnh thành trong cả nước để nhờ hỗ trợ, chia sẻ thông tin tuyển dụng đến người dân trong độ tuổi lao động được biết, tìm kiếm thông tin việc làm phù hợp tại Bình Dương.
Kết nối với các tỉnh
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong 6 tháng đầu năm 2024, các DN trên địa bàn tỉnh cần tuyển dụng từ 25.000-30.000 lao động. Trong quý I-2024, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận thông tin tuyển dụng của hơn 500 DN, cần tuyển dụng hơn 22.000 lao động, tập trung ở các lĩnh vực như may mặc, giày da, gỗ. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông không có tay nghề chiếm khoảng 35%.
Một số DN cần tuyển dụng số lao động lớn từ đầu năm đến nay như: Công ty TNHH Timberland (TP.Tân Uyên), Công ty TNHH Chí Hùng (TP.Tân Uyên)... mỗi DN cần tuyển từ 2.000-3.000 lao động. Cùng với đó, số DN cần tuyển từ 500-1.000 lao động ở các địa phương như TP.Thuận An, TX.Bến Cát cũng khá nhiều, tập trung chủ yếu ngành may mặc. Để thu hút nguồn nhân lực, rất nhiều DN đưa ra mức thu nhập khá cao, trên 10 triệu đồng/tháng. Điển hình như Công ty TNHH Key Bay Furniture (TP.Tân Uyên) đưa ra mức thu nhập 9-25 triệu đồng/người/tháng...
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho biết để giúp các DN tìm được nguồn nhân lực, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực đăng tải thông tin tuyển dụng rộng rãi trên các trang Zalo, Facebook để người lao động nắm bắt. Trung tâm cũng tăng cường tuyển dụng trực tiếp tại trụ sở, các phiên tuyển dụng, phỏng vấn online; tăng cường liên kết tuyển dụng lao động với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng với đó, trung tâm tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến, kết nối cung cầu lao động, giới thiệu việc làm cho lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp; tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để kết nối với DN đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động.
“Đây là hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong hoạt động công đoàn, cũng như phối hợp với các DN, sở, ngành và địa phương trong việc tìm nguồn lao động, giúp các DN sớm đi vào ổn định sản xuất. Hy vọng qua rà soát chi tiết lần này và được sự hỗ trợ từ LĐLĐ các tỉnh, thành trong cả nước sẽ mang lại hiệu quả trong việc tuyển dụng việc làm tại các DN ở Bình Dương”. (Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh) |
QUANG TÁM