Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng: Thận trọng với nguy cơ lạm phát, giá cả thị trường và biến tướng của các lễ hội...

Thứ sáu, ngày 28/05/2010

Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng phát biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc Hội khóa XII

Phát biểu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII hôm qua (27-5), Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng bày tỏ sự nhất trí cao với các giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tiếp tục duy trì phục hồi tăng trưởng mà Chính phủ đã đề ra trong báo cáo trình Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị, Chính phủ cần thận trọng trước nguy cơ tái lạm phát, bong bóng tín dụng; đồng thời kiểm soát nhập khẩu, giá cả thị trường và tăng cường công tác giám sát, quản lý chặt chẽ hoạt động tổ chức các lễ hội, ngăn ngừa tiêu cực, mê tín, dị đoan...

CẦN THẬN TRỌNG VỚI CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH TIỀN TẾ

Theo đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng, ngay từ kỳ họp thứ 5 của Quốc hội trước áp lực của đà lạm phát và suy thoái, chính sách thắt chặt tài chính tiền tệ đã được đề ra. Ngay sau đó, thích ứng với tình hình, Chính phủ đề nghị nhanh chóng chuyển sang chính sách tài chính tiền tệ nới lỏng, linh hoạt và thận trọng, với các gói đầu tư hỗ trợ và kích thích kinh tế quy mô lớn. Thực tiễn chứng minh chủ trương và sự chuyển đổi đó là kịp thời, đúng đắn và mang lại hiệu quả rõ rệt. Tuy nhiên, theo đại biểu, tính đến tháng 5-2010, tình hình trong nước và thế giới đã đều rất khác. Kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi nhanh nhưng kèm theo đó là những tiềm ẩn về nguy cơ tái lạm phát cao, khả năng vở bong bóng tín dụng... bộc lộ khá rõ, nhất là khi tổng phương tiện thanh toán đang ở mức cao, dư nợ các loại đáng lo ngại.

“Trong tình hình như vậy, liệu chúng ta có nên tiếp tục nới lỏng, linh hoạt và thận trọng về tài chính tiền tệ như năm trước hay không ? Theo tôi, năm nay, chúng ta nên điều chỉnh theo hướng: bớt nới lỏng, chỉ linh hoạt vừa phải trong kế hoạch và phải hết sức thận trọng về tài chính tiền tệ để đạt được mục tiêu là chẳng những phục hồi được tăng trưởng, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô mà còn bảo đảm kiềm chế được tái lạm phát cao. Tôi nghĩ rằng lúc này, chúng ta đề cao sự thận trọng trong điều hành chính sách tài chính tiền tệ là cần thiết, nếu không, tổng phương tiện thanh toán sẽ tiếp tục tăng quá cao, bội chi ngân sách sẽ vượt mức cho phép, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài sẽ tăng theo nhanh... nguy cơ lạm phát là sẽ khó tránh khỏi!..” - đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng khuyến nghị.

Theo đại biểu, đến thời điểm này cần thận trọng xem xét toàn diện các diễn biến, tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình đầu tư phát triển trong toàn bộ nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Việc cấp bách lúc này nên là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, trước hết là vốn đầu tư thuộc ngân sách Nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA... để biến những nỗ lực đầu tư trước nay thành kết quả hiện thực hơn là tiếp tục nới lỏng hay linh hoạt về tài chính tiền tệ.

KIỂM SOÁT NHẬP KHẨU, GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG

Chính phủ đã đề ra kế hoạch cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán. Về nội dung này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng bày tỏ sự đồng tình cao, đồng thời nhấn mạnh cần thực hiện thật nghiêm việc “kiểm soát nhập khẩu, trước hết đối với những mặt hàng trong nước sản xuất được hoặc không khuyến khích nhập khẩu” như Báo cáo của Chính phủ đã đề ra. Đại biểu cho hay, thực tế một số mặt hàng cao cấp, xa xỉ như xe hơi sang trọng, điện thoại xịn, rượu ngoại đắt tiền... tuy trong nước chưa sản xuất được nhưng không khuyến khích nhập khẩu, trong thời gian qua vẫn vô tư được nhập khẩu. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cần điều chỉnh tình hình vì hiện nay Việt Nam đã nhập khẩu đến 27% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ một nước láng giềng những mặt hàng vốn trong nước chúng ta vẫn sản xuất được và là những mặt hàng không có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao. Do đó, để giảm nhập siêu cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Trước tình hình giá cả tăng cao như vừa qua, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nhìn nhận, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người lao động ăn lương, người có thu nhập thấp và nông dân. Cho nên mọi động thái về giá cả thị trường, trước hết phải quan tâm đến đối tượng này. Đại biểu đề nghị cần cương quyết giữ bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu: “Trong năm 2010 này, vì nhiều lý do, chúng ta cần cương quyết giữ bình ổn giá điện và giá xăng dầu. Việc đưa kinh doanh xăng dầu vào hoạt động theo cơ chế thị trường là cần thiết nhưng cần có lộ trình, quyết không để ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bình ổn giá cả thị trường. Đối với một số mặt hàng thiết yếu, nhất là lương thực thực phẩm và vật tư nông nghiệp, chúng ta cần chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều tiết trong những trường hợp cần thiết, quyết không để xảy ra cơn sốt giá nào dù là thật hay ảo...”.

Theo đại biểu, đây có thể là một thách thức lớn nhưng Chính phủ phải vượt qua để bình ổn đời sống người dân, nhất là dân lao động nghèo.

QUẢN LÝ LỄ HỘI - ĐÂU CHỈ GIỮ XE, THU TIỀN!

Đánh giá về công tác quản lý lễ hội, báo cáo của Chính phủ, cho biết, các cấp quản lý đã tăng cường công tác giám sát và quản lý chặt chẽ, bảo đảm các lễ hội được tổ chức theo đúng quy định về tổ chức lễ hội, giảm bớt các hoạt động tiêu cực, mê tín, dị đoan... Tuy nhiên, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, thực tế hoạt động tổ chức các lễ hội đang khiến dư luận bức xúc: “Tình hình có đúng như vậy không? Tôi e rằng không đúng! Công luận đã than phiền và rất bức xúc xung quanh các lễ hội vừa qua”.

CẦN XEM XÉT LẠI CƠ CHẾ CỦA SCIC Về chủ trương cổ phần hóa, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cũng nhất trí cao với báo cáo Chính phủ là nên kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, theo đại biểu, nên rà soát, xem xét điều chỉnh hợp lý hơn quan hệ và cơ chế hoạt động giữa tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) với công ty cổ phần có vốn Nhà nước mà tổng công ty đại diện. “Cổ phần hóa không phải là mục đích mà phát triển sản xuất - kinh doanh của các công ty đã cổ phần mới là mục đích sau cùng. Điều chỉnh hợp lý quan hệ và cơ chế hoạt động nói trên chắc chắn sẽ tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh của các công ty đã cổ phần. Qua khảo sát và giám sát hoạt động của các đơn vị đã cổ phần ở địa phương cho thấy, việc này đã nổi lên như một nhu cầu cần sớm giải quyết...”, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng nêu vấn đề. ĐÀM THANH (thực hiện) Theo đại biểu, lễ hội là nơi hội tụ sức mạnh của cộng đồng, ngưng kết các giá trị văn hóa được gìn giữ và lưu truyền nhiều đời. Đến với lễ hội chính là dịp con người tiếp xúc và chiêm nghiệm nền minh triết Việt có bề dày hàng ngàn năm, vốn định hình từ sâu thẳm của nền văn minh lúa nước, lại được hun đúc, từng trải qua những cuộc chiến tranh vệ quốc. Lễ hội, trên cả và trước hết, là văn hóa, là tâm linh. Đại biểu chỉ ra rằng, hiện nay các lễ hội đang bị biến tướng theo hướng tiêu cực: “Đền Trần đáng lẽ là nơi giáo dục lòng yêu nước theo hào khí Đông A lại đi cổ xúy cho ấn triện, mua bán và thăng quan tiến chức. Người ta đem tiến cúng cho Quốc Tổ những gì? - Năm trước là chiếc bánh chưng nhân xốp khổng lồ, năm nay là chai rượu to tướng táo tợn. Liệu trò háo danh đó còn tiếp tục những chiêu thức gì nữa. Còn bao nhiêu trò nhố nhăng, dung tục khác đã phô bày ra trong lễ hội mà báo chí đã không ngớt nêu lên. Trách nhiệm thuộc về ai?”.

Theo đại biểu, đất nước ta có rất nhiều lễ hội nhưng ông bà tổ tiên ta ngày xưa đã quản lý và tổ chức lễ hội rất tốt. Quản lý và tổ chức lễ hội đâu chỉ có việc lo sân bãi, giữ xe và thu các loại tiền! Ngành chức năng cần rút kinh nghiệm nghiêm túc để chấn chỉnh ngay tình hình này bởi lễ hội không chỉ là văn hóa mà còn là biểu hiện của mặt bằng đạo đức xã hội. Việc quản lý và tổ chức lễ hội như thế nào sẽ biểu hiện chính đạo đức của người quản lý và tổ chức lễ hội đó...

THÀNH SƠN (thực hiện)