Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng: Quan tâm đến nông nghiệp nhiều hơn bằng chính sách cụ thể, đột phá
LTS: Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014. Đồng thời, các đại biểu thảo luận kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015) từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015. Đăng đàn tại hội trường trong sáng 31-10, ông Huỳnh Ngọc Đáng, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đã có ý kiến đóng góp vào 5 vấn đề. Báo Bình Dương xin giới thiệu nội dung ý kiến của đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng.
Tôi cơ bản đồng ý nội dung báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ. Tôi chỉ xin tham gia ý kiến về một số vấn đề sau đây:
1- Tình hình kinh tế năm qua cho thấy, những nỗ lực của chúng ta đã có kết quả nhất định: lạm phát được kiềm chế, kinh tế vĩ mô dần đi vào ổn định và nền kinh tế được nhận định là đã có dấu hiệu hồi phục. Tuy nhiên, xét tổng thể thì tình hình lại rất đáng lo ngại: 3 chỉ tiêu không đạt lại là những chỉ tiêu cốt lõi của hệ thống các chỉ tiêu. Thất thu ngân sách cho chúng ta thấy thực chất của con số tăng trưởng GDP và buộc chúng ta phải cân nhắc thêm khi nhận định rằng nền kinh tế đã dần hồi phục. Ngân sách không thất thu sao được khi các thủ đoạn chuyển giá báo lỗ, trốn, nợ thuế… của doanh nghiệp, cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã trở thành một vấn nạn thách thức ngành thuế. Cũng trong bức tranh kinh tế của ta hiện nay, ngành nông nghiệp đã cố gắng hết mức để giữ được nhịp độ phát triển ổn định, làm chỗ dựa no ấm cho đại đa số dân nghèo. Nhưng phải thấy rằng ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sự dao động về động lực sản xuất khi nông dân trồng cây gì, nuôi con gì cũng lỗ đơn, lỗ kép. Tôi cho rằng phải quan tâm hơn đến nông nghiệp nhiều hơn bằng chính sách cụ thể, đột phá. Nếu nông nghiệp rơi vào khủng hoảng, suy thoái thì hậu quả không lường hết được.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương Huỳnh Ngọc Đáng đăng đàn tại hội trường trong sáng 31-10
2- Chúng ta sốt ruột với tiến triển còn rất chậm của 3 tái cơ cấu kinh tế quan trọng và 3 đột phá chiến lược, vốn đã được cả nước đặt nhiều kỳ vọng. 3 tái cơ cấu càng chậm, kinh tế đất nước càng nhanh tụt hậu. 3 đột phá chiến lược không tiến triển nhanh thì những điểm nghẽn chí tử của nền kinh tế vẫn còn đó, càng đẩy nhanh sự tụt hậu. Những rào cản nào là nguyên nhân chủ yếu của sự trì trệ này? Theo tôi, nên lưu ý khắc phục cả rào cản về tổ chức thực hiện, rào cản về nhận thức lẫn rào cản do lợi ích cục bộ, nhất là lợi ích nhóm.
3- Tôi cơ bản đồng ý về phương án phát hành và sử dụng 170.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ. Tôi tin rằng nhân dân sẽ ủng hộ chủ trương huy động vốn này bởi sự cần thiết của nó. Tôi nhất trí dành các lượng vốn thích đáng đầu tư dự án quốc lộ 1A và quốc lộ 14 (61.680 tỷ đồng), bố trí 20.000 tỷ đồng vốn đối ứng các dự án ODA và 15.000 tỷ đồng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi. Riêng số vốn 73.320 tỷ đồng bổ sung vốn cho các dự án dở dang thì tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội với chức năng nhiệm vụ của mình nên làm việc cụ thể về hướng phân bổ cho từng nhóm dự án. Tôi cũng xin đề nghị Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thêm về chủ trương có tiếp tục đầu tư Dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu hay không. Bởi vì khác với tờ trình của Chính phủ, đang có những ý kiến phân tích bằng các luận chứng khoa học, cho rằng đây là dự án không cần thiết, hiệu quả thấp, tác động xấu đến môi trường, đầu tư vào đây là lãng phí và... Trong tình hình khó khăn về vốn, chúng ta cần trân trọng từng đồng vốn vay của dân và do vậy cân nhắc, xem xét kỹ càng trước khi tiếp tục đầu tư gần 9.000 tỷ đồng cho dự án này là điều nên làm.
4- Đời sống văn hóa xã hội của đất nước có nhiều vấn đề bức xúc. Gần đây lại có thêm những sự kiện càng gây thêm bức xúc. Là người Việt Nam, chúng ta xấu hổ với những sự kiện tiêu cực đó. Ở đây, về mặt chính trị và pháp luật, ta thấy xuất hiện những lo ngại mới về lòng dân. Đó là tâm trạng bất an và sự suy giảm niềm tin của người dân với Nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân tự xử. Tự xử là quan niệm và hành vi xấu, đáng lên án vì vi phạm pháp luật. Nhưng trách dân sao được khi thật sự khách quan mà nói rằng vai trò quản lý của Nhà nước ta còn mờ nhạt và yếu kém là nguyên nhân chính của tâm trạng xã hội này. Đơn cử như, trước vấn nạn an toàn vệ sinh thực phẩm, có lúc chúng ta bảo người dân nên tự bảo vệ mình, phải trở thành người tiêu dùng thông thái, vậy thì ở đây, Nhà nước và vai trò của Nhà nước đâu rồi… Trách dân sao được khi Nhà nước lại thỉnh thoảng ban hành những văn bản pháp quy có những nội dung hết sức ngớ ngẩn, trong khi đó lại còn đọng nợ quá lớn số lượng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật và pháp lệnh… Để khắc phục hiện trạng suy giảm niềm tin và tự xử trong dân, chỉ có một cách duy nhất là phải thực hiện có hiệu quả vai trò quản lý nhà nước, từ khâu xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật đến xử lý thường xuyên, có hiệu quả các vụ việc bất thường ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Quản lý nhà nước không nên theo kiểu phong trào khi có việc thì cán bộ cấp cao, cấp thấp đổ xuống đầy chợ, truyền hình loa đài đưa tin sôi động, nhưng đến trưa, chiều thì đâu lại vào đó…
5- Nghiên cứu về lịch sử sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long dưới thời Pháp thuộc ta thấy có hai điều nên lưu ý. Thứ nhất, địa chủ Nam bộ, những người canh tác và sản xuất lúa gạo có vai trò cả trong khâu xay xát chế biến và nhất là trong việc định giá xuất khẩu gạo chứ không phó mặc các việc đó cho tư sản người Hoa đương thời độc quyền. Nhờ vậy mà sự cộng đồng và phân chia lợi ích giữa người sản xuất và người mua bán gạo nhìn chung là hài hòa và ổn thỏa, có thể hợp tác làm ăn hiệu quả lâu dài. Điều này hiện nay trong phương thức xuất khẩu gạo của ta hoàn toàn chưa có. Chúng ta không khôi phục giai cấp địa chủ nhưng việc người nông dân có đại diện tổ chức của mình trong các khâu để chia sẻ và bảo vệ lợi ích của người trồng lúa là cần thiết. Thứ hai, trong huy động lúa gạo xuất khẩu thời Pháp thuộc, không hình thành những nhóm thương lái đi thu gom lúa gạo như hiện nay. Bởi vì cả địa chủ Nam bộ và tư sản xuất khẩu lúa gạo đều thấy rằng đây chỉ là các nhóm trung gian trục lợi. Thật ngạc nhiên và cũng đáng tiếc rằng hiện nay trong phương thức huy động lúa gạo xuất khẩu của chúng ta, số thương lái lại quá lớn và họ vơ vét không thương tiếc lợi ích của người sản xuất. Kết quả là người nông dân vất vả nhiều nhất lại chẳng có vai trò vị trí gì trong các khâu của quy trình xuất khẩu gạo còn lợi ích của họ thì bị bóp nặn, rút rỉa gần hết bởi mấy công ty độc quyền xuất khẩu gạo và thương lái trung gian. Kết quả là người trồng lúa nghèo vẫn hoàn nghèo và ngày càng ít thiết tha việc canh tác. Nông dân còn nghèo thì chưa thể có nông thôn mới thật sự và nông nghiệp cũng chưa thể cất cánh vì thiếu động lực dù chúng ta luôn tự hào mỗi năm góp phần quan trọng vào an ninh lương thực thế giới. Xin Chính phủ, Quốc hội xem xét cải thiện tình hình này.