Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Văn Tuấn: Hiệp định TPP là cơ hội để dệt may Việt Nam phát triển
Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết với mục tiêu thiết lập một mặt bằng thương mại tự do chung cho các nước khu vực châu Á Thái Bình Dương.
ông Nguyễn Văn Tuấn.
Tháng 11-2010, Việt Nam tuyên bố tham gia đàm phán TPP với tư cách thành viên chính thức. Để hiểu rõ hơn những nét chính của TPP và ảnh hưởng đến ngành dệt may Việt Nam như thế nào, chúng tôi đã có buổi phỏng vấn với ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam xung quanh vấn đề này.
- Thưa ông, ông có thể cho biết những nét chính của TPP?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Vào cuối năm 2007 và đầu năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra ở Mỹ đã nhanh chóng biến thành cuộc khủng hoảng kinh tế và lan rộng ra thế giới, lúc này tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ lên đến 9%. Trước áp lực lớn của Trung Quốc đe doạ đến lợi ích của Hoa Kỳ và các nước phát triển trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, Hoa Kỳ đã nhanh chóng tham gia đàm phán và chủ động đề xuất các vấn đề trong đàm phán TPP. TPP có 12 quốc gia tham gia gồm: Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, Chile, Nhật Bản, Brunei, New Zealand, Singaopre, Australia, Malaysia và Việt Nam. Mục tiêu của TPP nhằm tạo ra một khu vực kinh tế tự do hoá thương mại của các nước tham gia TPP.
TPP đề cập đến 6 nội dung chính, trong đó thương mại là một nội dung quan trọng. Hiện nay, có những nước quan hệ thương mại với nhau thông qua các hiệp ước nên mức thuế suất bằng 0%. Tuy nhiên, ở một số quốc gia khác thì có mức thuế suất khác nhau. Do đó, khi TPP có hiệu lực thì các quốc gia tham gia đều áp dụng thuế suất bằng 0%. Ngoài ra còn các nội dung khác như sở hữu trí tuệ, chi tiêu công, công đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
- Vậy, khi Việt Nam gia nhập TPP thì ngành dệt may có những lợi ích gì?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Có thể nói sau 22 năm phát triển thì ngành dệt may vươn lên trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam. Năm 2012, tổng xuất khẩu dệt may đạt 18,2 tỷ đôla Mỹ và Việt Nam là 1 trong 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, trong đó, 50% xuất sang thị trường Hoa Kỳ, 16% xuất sang EU, 12% Nhật Bản, 6% Hàn Quốc, 16% thị trường khác.
Hiện tại, thuế suất hàng dệt may xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ rất cao, bình quân 17,5%, EU là 9,6%, nếu TPP được ký kết thì thuế suất còn 0%. Ngoài ra, cùng với TPP thì Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam – EU là những tiền đề quan trọng để mở rộng các thị trường trọng điểm tại EU với mức thuế suất thấp hơn hiện tại. Với việc Trung Quốc chưa tham gia đàm phán TPP và EU chưa có ý định đàm phán FTA với Trung Quốc thì ngành dệt may Việt Nam có cơ hội lớn trong việc gia tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ, EU. Việt Nam còn có thêm thuận lợi để gia tăng xuất khẩu sang các nước đang tham gia tiến trình đàm phán TPP như Canada, Peru, Chile, Australia.
Bên cạnh đó, TPP cũng đưa ra các yêu cầu khắt khe về quy trình sợi – dệt – nhuộm chỉ thực hiện ở một quốc gia tham gia TPP, trong đó 10 quốc gia tham gia đàm phán TPP không thực hiện quy trình này chỉ còn Việt Nam và Malaysia (không tham gia TPP), đây chính là cơ hội để Việt Nam phát triển các ngành phụ trợ cho ngành dệt may.
- Lợi thế đã có, vậy ngành dệt may Việt Nam phải làm gì để tiếp tục phát huy thế mạnh này?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tính đến nay, cả nước có khoảng 4.000 doanh nghiệp dệt may (trong đó có 650 doanh nghiệp nước ngoài), tuy nhiên 70% lượng hàng xuất khẩu ra nước ngoài theo phương thức gia công xuất khẩu CMT (Cut - Make – Trim - Nhà sản xuất Việt Nam chỉ cần thực hiện việc cắt, may và hoàn thiện sản phẩm theo mẫu, nguyên liệu được cung cấp).
Muốn phát huy thế mạnh thì ngành dệt may phải thay đổi phương thức sản xuất CMT lên phương thức cao hơn là OEM (Sản xuất hàng bằng nguyên liệu của mình) rồi nâng lên phương thức ODM (Cung cấp cho khách hàng tất cả mọi dịch vụ liên quan đến sản phẩm như nghiên cứu và phát triển, định hướng sản phẩm cũng như sản xuất) để gia tăng giá trị trong sản phẩm. Điều quan trọng phải tạo được chuỗi cung ứng dệt may từ gia công – cung cấp nguyên liệu – cung cấp mẫu mã theo quy trình khép kín.
Bên cạnh đó, khi tham gia TPP thì thị trường sẽ được mở rộng và mức thuế giảm sẽ tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác về các sản phẩm dệt may. Nếu Việt Nam giải quyết được bài toán chuỗi cung ứng dệt may thì giá trị gia tăng của ngành dệt may Việt Nam mới tăng cao.
- Hội dệt may Việt Nam sẽ đề xuất gì khi TPP có hiệu lực?
Ông Nguyễn Văn Tuấn: Tuy ngành dệt may phát triển nhưng vẫn còn lệ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài. Trước hết là nguyên liệu thô (bông, tơ tổng hợp, tơ nhân tạo), năm 2012 sử dụng hết khoảng 820 ngàn tấn (420 ngàn tấn bông, 400 ngàn tấn tơ) nhưng phải nhập đến 415 ngàn tấn bông.
Ngoài ra ngành dệt, nhuộm Việt Nam hiện tại chỉ đáp ứng được khoảng 800 ngàn mét sợi vải sệt thoi và 115 ngàn tấn sợi dệt kim và 1,4 tỷ mét vải mộc; ngành nhuộm chỉ thực hiện được 800 triệu mét, trong khi đó năm 2012 dùng hết 6,8 tỷ mét, phải nhập khẩu 6 tỷ mét.
Mặc dù, chúng ta cũng đã có nhiều thành tựu trong việc sản xuất sợi polyeste với công suất 295 ngàn tấn, đáp ứng ¾ nhu cầu tơ tổng hợp, tơ nhân tạo nhưng vẫn không đáp ứng đủ nguyên liệu. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ phải xây dựng những chiến lược lâu dài phát triển nguồn nguyên liệu, đưa ra các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư nguyên liệu dệt may nhất là khi TPP có hiệu lực thì mới giải quyết được “nút thắt cổ chai” của ngành dệt may.
- Cám ơn ông!
HOÀNG PHẠM (thực hiện)