Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sẽ cải cách tiền lương đúng lộ trình
(BDO)
(Ảnh minh họa: TTXVN)
Nghị quyết số 27-NQ/TW (về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp) đã đề ra mục tiêu từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn bộ hệ thống chính trị, tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của cán bộ, công chức, viên chức.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ kỳ vọng mức lương mới sẽ bảo đảm được đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động; góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp.
Chuyển dần sang trả lương theo chính sách mới từ năm 2021
- Thưa Phó Thủ tướng, theo Nghị quyết 27, đầu năm 2021 sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới. Để thực hiện yêu cầu này, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị khung khổ thể chế để cải cách, Phó Thủ tướng đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ này một năm qua như thế nào, chúng ta đã hoàn thành được bao nhiêu phần trăm công việc?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Căn cứ Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW. Thực hiện Nghị quyết số 107/NQ-CP, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập cải cách chính sách tiền lương, xây dựng kế hoạch triển khai việc thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với công chức, viên chức chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý, trong đó phân công các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu đề xuất thực hiện để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ theo tiến độ được giao.
Trong năm 2019, Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã họp 2 phiên nghe báo cáo về tiến độ, các phương án thiết kế bảng lương, chế độ phụ cấp, phương án bố trí nguồn cải cách tiền lương và những khó khăn trong việc thực hiện.
Đến nay, các bộ, cơ quan đang tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công tại Nghị quyết số 107/NQ-CP và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chế độ tiền lương mới thay thế chế độ tiền lương hiện hành.
Các bộ ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện và tổ chức các hội nghị phổ biến quán triệt chế độ tiền lương mới.
Mới đây, các đại biểu Quốc hội đã đồng thuận cao biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), thể chế hóa được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương về độ tuổi nghỉ hưu và nhiều nội dung liên quan tới khu vực doanh nghiệp như tiền lương tối thiểu, hội đồng tiền lương, phương pháp trả lương...
Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành các quyết định về cơ chế tiền lương đặc thù đối với một số cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị như một số đơn vị cấp cục của các Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải...
Theo đó, Thủ tướng chỉ cho phép các đơn vị này thực hiện cơ chế tiền lương đặc thù tới hết năm 2020 để sắp xếp lại, chuyển dần sang trả lương theo chính sách mới từ năm 2021, bảo đảm minh bạch sự nghiệp công với dịch vụ hành chính công và tạo thuận lợi cho các vấn đề khác như kiểm tra chuyên ngành...
Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành Nghị định về thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng tại doanh nghiệp nhà nước; nghiên cứu sửa đổi Nghị định số 16/2015/NĐ-CP về cơ chế tự chủ tài chính theo hướng áp dụng chung cho tất cả các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập trên tinh thần quán triệt cụ thể Nghị quyết số 27 và 19-NQ/TW (về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập).
Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2012/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập và sửa đổi Nghị định số 41/2012/NĐ-CP về biên chế, vị trí việc làm trong các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xây dựng dự thảo nghị định mới về chuyển đơn vị sự nghiệp thành công ty cổ phần.
Như vậy, sau một năm kể từ khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, Chính phủ, Quốc hội và Ban Chỉ đạo cải cách chính sách tiền lương đã triển khai nhiều công việc để có thể thực hiện cải cách lương vào năm 2021.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
- Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), việc này tác động như thế nào đến cải cách chính sách tiền lương, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày 20/11/2019, trong đó thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiền lương trong doanh nghiệp vào trong dự thảo Bộ luật như: Bổ sung quy định mức lương tối thiểu theo giờ (ngoài mức lương tối thiểu theo tháng hiện hành); quy định mức lương tối thiểu xác định dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường, chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế, quan hệ cung, cầu lao động…
Đồng thời kiện toàn Hội đồng tiền lương quốc gia (bổ sung thêm chuyên gia độc lập); quy định thang lương, bảng lương theo hướng Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp (bỏ quy định về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động), giao cho doanh nghiệp, người lao động xây dựng và thực hiện.
Bộ luật Lao động (sửa đổi) có tác động tích cực đến các tầng lớp nhân dân và người lao động, hướng tới bảo đảm sự hài hòa, ổn định trong quan hệ lao động, tạo động lực cho người lao động và nền kinh tế nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Thực hiện đúng các giải pháp tài chính, ngân sách
- Phó Thủ tướng vẫn nói, trong cải cách tiền lương, "vấn đề đầu tiên là vấn đề “tiền đâu"? Với cách quản lý ngân sách và giao dự toán thu chi hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng chúng ta có đảm bảo "gác" được nguồn vượt thu? Giải pháp tới là gì và với những địa phương có số thu thấp, không bảo đảm chi lương sẽ được điều tiết như thế nào?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Nghị quyết số 27-NQ/TW đã nêu một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện cải cách chính sách tiền lương là quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách, coi đây là nhiệm vụ đột phá để tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương phải phấn đấu tăng trưởng kinh tế, thực hiện cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng thu nội địa, dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để bố trí nguồn cải cách tiền lương.
Vì vậy, để thực hiện được cải cách chính sách tiền lương, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng các giải pháp tài chính, ngân sách tại Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Đối với các địa phương có số thu thấp, không đảm bảo chi cải cách tiền lương, sẽ được điều tiết từ nguồn ngân sách Trung ương. Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Nghị quyết 86/2019/QH14 và Nghị quyết 87/2019/QH14 về giao dự toán và phân bổ ngân sách nhà nước năm 2020, trong đó đã thể chế hóa các chủ trương của Nghị quyết số 27-NQ/TW để làm cơ sở triển khai thực hiện, xác định rõ các giải pháp dành nguồn để cải cách tiền lương từ năm 2021.
- Một giải pháp đột phá để cải cách tiền lương là sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW về tinh giản biên chế, Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 37 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã. Phó Thủ tướng có hài lòng với công tác này thời gian qua?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hiện nay các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và đã đạt được một số kết quả.
Tổng biên chế công chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước của bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hội có tính chất đặc thù, biên chế công chức dự phòng năm 2020 là 253.517 biên chế, giảm 8,68% so với tổng biên chế được giao năm 2015.
Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập hưởng lương từ ngân sách nhà nước thuộc khối Chính phủ quản lý năm 2019 giảm so với năm 2015 là 50.547 người, trong đó giảm 4,26% tại địa phương, giảm 11,85% tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Các bộ, cơ quan, địa phương đã kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn đầu mối bên trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan hành chính, người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập với việc thể chế hóa và thực hiện các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, đặc biệt là việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách chính sách tiền lương.
Việc thực hiện nêu trên chỉ là kết quả bước đầu. Các bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, coi đây là công việc rất quan trọng để cải cách chính sách tiền lương một cách đồng bộ.
Cải cách tiền lương theo đúng lộ trình
- Có thể thấy khối lượng công việc còn khá bộn bề, thời gian chuẩn bị chỉ còn một năm, trong bối cảnh chúng ta vừa phải chuẩn bị cơ sở cho cải cách lương, vừa chuẩn bị xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp. Liệu chúng ta có sẵn sàng để cải cách tiền lương vào đầu năm 2021, thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Các bộ, ngành, địa phương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ theo phân công của Chính phủ tại Nghị quyết số 107/NQ-CP.
Với sự quyết tâm cao của Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, tôi tin sẽ chúng ta sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo đúng lộ trình.
- Gánh nặng cải cách tiền lương đặt lên vai cơ quan quản lý Nhà nước. Để cải cách căn bản vấn đề tiền lương, tạo sự đồng thuận trong xã hội, từ việc xây dựng Đề án vị trí việc làm, xây dựng hệ thống thang bảng lương, đến việc xây dựng chức danh tương đương trong hệ thống chính trị, phương án chuyển đổi lương cũ sang lương mới, trả lương theo chức vụ, chức danh, cấp bậc để tránh tình trạng cấp dưới lương cao hơn cấp trên như hiện nay... là rất quan trọng, Phó Thủ tướng muốn nhắn nhủ gì với cơ quan quản lý Nhà nước và những người hưởng lương trong khu vực hành chính nhà nước và doanh nghiệp?
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, cần phải bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII để quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 107/NQ-CP của Chính phủ.
Đối với những người hưởng lương trong khu vực sự nghiệp công, chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo trong công việc, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả để phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra nguồn lực để cải cách tiền lương cho chính mình.
- Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!
Theo TTXVN