Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Thần tốc tiêm vắc xin, nâng cao năng lực điều trị để chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch”

Thứ năm, ngày 16/09/2021

(BDO)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với lãnh đạo tỉnh và TP.Thủ Dầu Một về công tác phòng, chống dịch

Gần 92% người dân trên 18 tuổi được tiêm vắc xin mũi 1

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên trong đoàn, bà Nguyễn Thu Cúc, Chủ tịch UBND, Phó ban Thường trực BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.Thủ Dầu Một cho biết, đến nay, TP.Thủ Dầu Một đã cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, hiện thành phố có 11/14 phường “vùng xanh”, chỉ còn 3 vùng vàng thuộc các phường Phú Hòa, Phú Lợi và Chánh Nghĩa.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng để giảm tải cho các tầng điều trị cần phân loại đối tượng F0 những trường hợp ít nguy cơ đưa về khu cách ly, những F0 có triệu chứng, nguy cơ thì mới chuyển đến các tầng điều trị

Sau khi công bố “vùng xanh” thực hiện nới lõng giãn cách, thành phố duy trì 100 chốt gồm 78 chốt chính và 22 chốt hẻm để kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh công tác phòng, chống dịch, thành phố đã quan tâm giải ngân các chính sách hỗ trợ hơn 390.000 trường hợp, số tiền 192 tỷ 463 triệu đồng. Tổng kinh phí từ nguồn ngân sách phân bổ cho công tác phòng, chống dịch là 655 tỷ 225 triệu đồng, chủ yếu phục vụ cho việc mua sắm trang thiết bị, thuốc, hóa chất, sinh phẩm, phương tiện phòng, chống dịch, sửa chữa cơ sở vật chất các khu cách ly, bệnh viện dã chiến của thành phố, hỗ trợ các chế độ, chính sách cho đối tượng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19…

Lũy kế đến nay, TP.Thủ Dầu Một đã ghi nhận 7.468 F0, 29 khu cách ly, 10.515 giường bệnh và đưa vào vận hành Bệnh viện dã chiến số 5 tại đường số 1, KCN Sóng Thần 3, phường Phú Tân, quy mô 1.580 giường bệnh. Đến nay, đã thu dung điều trị cho 12.457 F0. Thành phố đã thành lập 42 Trạm Y tế lưu động tại 14 phường, trong đó mỗi phường có 3 Trạm Y tế lưu động để đưa người dân dễ dàng tiếp cận với y tế. Thành lập 1.636 Tổ Covid cộng đồng với 4.900 thành viên; 1.460 nhóm  Zalo, trong đó, có 438 nhóm trong nhà trọ để kịp thời, theo dõi giám sát nhân dân trong các vùng cách ly y tế tạm thời; tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của nhân dân; kịp thời thông tin cho người dân về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Hiện, thành phố có 251 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với 25.838 người lao động. Có 67/251 doanh nghiệp đăng ký “3 tại chỗ” với 4.242 lao động, tỷ lệ 26,7%. Đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho 58/67 doanh nghiệp đăng ký “3 tại chỗ” với 3.174 người lao động. Thành phố đã tiêm vắc xin phòng Covid-19 được 219.308 mũi 1, đạt tỉ lệ đạt 91,89% người trên 18 tuổi được tiêm.

Cần thành lập chuyên khoa điều trị Covid-19

Tại buổi làm việc, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, công tác thu dung điều trị của tỉnh Bình Dương có nhiều chuyển biến rất tích cực trong việc giảm tỷ lệ tử vong giảm. Tuy nhiên, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu mong muốn trong thời gian tới cần phải thay đổi việc thu dung điều trị để giảm tải cho các bệnh viện điều trị ở các tầng 1.

Cụ thể, khi xét nghiệm F0 cần đưa đến khu cách ly tập trung để làm nơi trung chuyển mà không đưa tất cả về các khu điều trị tầng 1 khiến quá tải ảnh hưởng đến công tác điều trị cho bệnh nhân. Việc tập trung toàn bộ F0 về các khu điều trị trong điều kiện không đủ nguồn lực về nhân viên y tế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị cho những bệnh nhân có triệu chứng. Do đó, thời gian tới công tác thu dung F0 cần đưa về các khu cách ly theo nhóm đối tượng nguy cơ để từ đó xác định các đối tượng cần phải chuyển đến các tầng để điều trị; đồng thời mong muốn Chính phủ hướng dẫn cho người dân cách ly tại nhà; đưa trạm y tế lưu động đến điều trị cho những người có yếu tố nguy cơ. PGS- TS Nguyễn Lân Hiếu cũng kiến nghị Phó Thủ tướng về việc cung cấp thêm nguồn thuốc đặc trị cho bệnh nhân Covid-19 như các loại thuốc kháng đông, kháng viêm… Trong thời gian tới, ngành y tế cần phải thành lập chuyên khoa điều trị Covid cũng như chuyên khoa phục hồi chức năng liên quan bệnh Covid-19, dần dần xem như điều trị Covdi-19 như điều trị sốt xuất huyết trước đây.

Bà Nguyễn Thu Cúc báo cáo công tác phòng, chống dịch và kết quả xây dựng “vùng xanh” đưa TP.Thủ Dầu Một về trạng thái “bình thường mới”

Về công tác điều tra dịch tễ, sàng lọc bóc tách F0, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho rằng khi tổ chức test tại các khu vực khoanh vùng, nếu tỷ lệ từ 1% trở lên thì xác định ở mức độ nguy hiểm cần phải bao vây ngay. Hiện nay, các “vùng đỏ” được khóa chặt nhưng lo sợ “vùng xanh” rất dễ bùng phát dịch nếu không kiểm soát tốt.

Ông Nguyễn Văn Lợi tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ

Thần tốc tiêm vắc xin, nâng cao năng lực điều trị

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo TP.Thủ Dầu Một nói riêng và lãnh đạo tỉnh Bình Dương nói chung trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác sàng lọc, thu dung điều trị góp phần giảm ca tử vong trên địa bàn. Phó Thủ tướng cho rằng, tỉnh cần tranh thủ thời gian giãn cách để tập trung “đánh nhanh”, thần tốc xét nghiệm để bóc tách F0; đồng thời cần phải xác định mức độ ảnh hưởng thế nào để có cách “đánh” hiệu quả.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tại bệnh viện dã chiến số 5B. Làm việc với lãnh đạo bệnh viện, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo bệnh viện lưu ý đảm bảo an toàn tối đa cho đội ngũ nhân viên y tế, nhất là khi chuyển từ điều trị bệnh nhân Covid 19 tầng 1 lên tầng 1.5 và 2.

Phó Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao tiến độ tiêm vắc xin của tỉnh Bình Dương; đồng thời cho biết tổ công tác sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin cho Bình Dương. Về chiến lược phòng, chống dịch trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, thời gian tới đây sẽ không thể hết sạch Covid-19 nên phải chuyển sang trạng thái “sống chung với dịch”. Do đó, việc cần làm lúc này đó là phải nhanh chóng tổ chức tiêm vắc xin kết hợp biện pháp khác để giảm số ca lây nhiễm, cũng như nâng cao năng lực điều trị để giảm số ca tử vong.

Về việc phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, Phó Thủ Tướng cũng cho rằng, bên cạnh việc thực hiện khôi phục lại các hoạt động thiết yếu, tỉnh cần xem xét đối với các lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nếu bảo đảm an toàn thì nhanh chóng cho phép mở cửa hoạt động trở lại.

Phó thủ tướng đánh giá cao cơ sở vật chất và trang thiết bị của bệnh viện dã chiến 5B, trong đó có việc chuẩn bị số lượng lớn oxy hoá lỏng để đáp ứng kịp thời công tác cứu chữa bệnh nhân. Chia sẻ nỗi vất vả với các nhân viên y tế, Phó Thủ tướng động viên tinh thần lực lượng tuyến đầu cố gắng tiếp tục chăm sóc bảo vệ sức khoẻ bệnh nhân đạt kết quả tốt nhất. Hiện nay, bệnh viện dã chiến 5B đang điều trị 638 F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Đối với công tác thu dung điều trị, quản lý F0, tỉnh cần tăng cường hướng dẫn quản lý F0 ở cơ sở điều trị, nhất là chú ý hệ thống y tế cơ sở, tổ chức lại trung tâm cách ly hiện nay trở thành khu điều trị cách ly tầng 1, đưa hệ thống y tế cơ cở, trạm y tế lưu động đến gần với người dân để có thể hướng dẫn cho người dân theo dõi, điều trị cách ly tại nhà.

Tổ công tác sẽ làm việc với Bộ Y tế để kịp thời cung ứng nguồn thuốc đặc trị Covid-19 cho Bình Dương; đồng thời lưu ý, tỉnh Bình Dương tiếp tục xem xét, giải quyết các chế độ, chính sách cho lực lượng y, bác sĩ đang tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trên địa bàn; từng bước đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ y tế cơ sở để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, chú ý triển khai, ứng dụng công nghệ trong việc đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu về kết quả xét nghiệm, quản lý F0, lưu thông đi lại cũng như đưa ra các dự báo liên quan công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác thu dung, phân loại F0 theo nhóm đối tượng để góp phần giảm tải cho các tầng điều trị; đồng thời tỉnh sẽ thực hiện kế hoạch xét nghiệm thần tốc để bóc tác F0 ra khỏi cộng đồng...

Minh Duy