Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Làm mới mô hình bảo vệ quyền trẻ em

Thứ năm, ngày 17/11/2022

(BDO)

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Ủy ban Quốc gia về trẻ em năm 2022.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cần đẩy mạnh, đổi mới hoạt động truyền thông, tuyên truyền để người dân và xã hội nhận thức đúng đắn, đầy đủ về các hành vi xâm hại trẻ em, giải quyết vụ việc vi phạm quyền trẻ em đến từng đối tượng, gia đình, cộng đồng dân cư, từ đó xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ.

Trên đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em, tại phiên họp thường kỳ Ủy ban Quốc gia về trẻ em năm 2022, diễn ra sáng 17-11, tại Trụ sở Chính phủ.

Xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho trẻ em

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá các bộ, ngành, tổ chức thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã chủ động tham mưu, phối hợp trong công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, có nhiều giải pháp cụ thể, tiếp tục làm mới mô hình hướng dẫn thực hiện quyền trẻ em trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, trợ giúp xã hội...

Cùng với đó, nguồn lực dành cho công tác trẻ em tiếp tục được quan tâm đầu tư.

Trong nhiều hạn chế, tồn tại của công tác bảo vệ quyền trẻ em, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tình trạng xâm hại trẻ em còn phức tạp dưới nhiều hình thức; cùng với đó, tỷ lệ tai nạn thương tích, nhất là đuối nước còn rất cao.

Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi vẫn cao 2-3 lần so với vùng đồng bằng; những tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm lý, tâm thần của trẻ em...

Cùng với đó, hoạt động của bộ máy, đầu mối bảo vệ trẻ em ở địa phương vẫn còn nhiều bất cập.

Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, tổ chức tiếp tục kiện toàn, nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu với Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030; phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội tại cơ sở...

Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, cần tập trung tổng kết Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/12/2012 của Bộ Chính trị về việc về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại; phòng ngừa tai nạn đuối nước trẻ em; chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em giai đoạn đầu đời; chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em; chăm sóc trẻ em mồ côi do dịch COVID-19; các chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó chú trọng địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất...

Phát triển nguồn lực thực hiện quyền trẻ em

Trước đó, tại cuộc họp, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu rõ các khó khăn, thách thức về cơ hội tiếp cận giáo dục cho trẻ em thuộc vùng sâu, vùng xa, trẻ em miền núi; thuận lợi và khó khăn trong công tác tham vấn, tâm lý học đường góp phần chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em, cũng như triển khai thực hiện Công điện 398/CĐ-TTg ngày 2/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng, chống đuối nước trẻ em.

Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa phát biểu.

Đại diện Bộ Công an cho biết Bộ đã đăng tải hơn 500 phóng sự, tin trên phương tiện truyền thông đại chúng, xây dựng hơn 1.000 bài viết của các chuyên gia; phối hợp với công an các địa phương tham mưu đảng ủy, chính quyền địa phương ban hành chủ trương, chính sách về phòng, chống xâm hại trẻ em; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi.

Bộ Công an cũng ban hành triển khai xây dựng bộ công cụ để ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em thông qua phần mềm “Người trợ lý ảo;” nâng cao năng lực cán bộ điều tra về vụ án xâm hại trẻ em; kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư-trẻ em...

Các ý kiến tập trung thảo luận làm rõ một số vấn đề như việc chuẩn hóa hệ thống dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ, chương trình tương tác lành mạnh, sáng tạo và bảo vệ trẻ trên môi trường mạng; các mô hình quyền tham gia; giám sát thực hiện ý kiến nguyện vọng của trẻ em; hoạt động của chi hội luật sư tham gia vụ án xâm hại trẻ em và phương hướng nhân rộng trong thời gian tới; nâng cao năng lực cán bộ hội phụ nữ các cấp để tham gia công tác xã hội bảo vệ trẻ em...

Các ý kiến thống nhất, năm 2023, Ủy ban Quốc gia về trẻ em tập trung một số nhiệm vụ chính như tăng cường phối hợp liên ngành trong xây dựng và thực hiện pháp luật, chính sách liên quan đến công tác trẻ em và thực hiện quyền trẻ em; phát triển nguồn lực thực hiện quyền trẻ em; triển khai can thiệp đa ngành, đa lĩnh vực; tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới các hoạt động truyền thông; tăng cường triển khai kiểm tra, thanh tra liên ngành; tiếp tục nâng cấp, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế về quyền trẻ em...

Giải quyết các vấn đề dư luận quan tâm

Trước đó, báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết năm 2022, các bộ, ngành, tổ chức là thành viên Ủy ban Quốc gia về trẻ em chủ động tham mưu, phối hợp, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến trẻ em và bảo đảm thực hiện quyền trẻ em do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; phối hợp với các địa phương giải quyết vấn đề của trẻ em, đặc biệt những vấn đề dư luận xã hội đang quan tâm. Tích cực huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế và cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Cụ thể, các bộ, ngành, tổ chức chủ động tham mưu, phối hợp liên ngành trong hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan và thực hiện quyền trẻ em; tăng cường rà soát, bổ sung, xây dựng, tham gia ký kết và triển khai các quy chế, kế hoạch phối hợp liên ngành về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ.

Các vấn đề nổi cộm, phát sinh, dư luận xã hội quan tâm được tích cực phối hợp, trao đổi, chia sẻ đảm bảo quyền của trẻ em; đồng thời phát huy trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó, giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19; vấn đề liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ; chủ động triển khai giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em; quan tâm tới công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em, đặc biệt tai nạn đuối nước...

Cùng với đó, nhiều mô hình, giải pháp, quy trình thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề trẻ em đã và đang triển khai tại địa phương; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em, việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được tổ chức theo hình thức đa dạng, phong phú.

Hoạt động kiểm tra liên ngành thực hiện Luật Trẻ em, quyền trẻ em tiếp tục được Ủy ban Quốc gia về trẻ em quan tâm chỉ đạo thực hiện; thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng hơn trong bảo đảm thực hiện quyền trẻ em...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp; việc chủ động phòng ngừa xâm hại trẻ em chuyển biến còn chậm; việc tổ chức phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại trẻ em còn gặp nhiều khó khăn; công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và hỗ trợ tư vấn tâm lý cho học sinh còn chưa chủ động, kịp thời; tỷ suất tử vong trẻ em, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực miền núi vẫn cao.

Việc triển khai, nhân rộng mô hình, giải pháp, quy trình thực hiện quyền trẻ em còn chậm.../.

Theo TTXVN