Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Ngành y tế cần nỗ lực xốc lại tinh thần
(BDO)
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trình bày báo cáo về xử lý các vướng mắc về công tác quản lý trong ngành y tế.
Ngày 9/2, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã làm việc với Bộ Y tế về tháo gỡ khó khăn trong công tác quản lý, đấu thầu thuốc, mua sắm trang thiết bị y tế và một số nội dung quan trọng khác.
Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các Bệnh viện Trung ương và Hà Nội dự buổi làm việc.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết đối với công tác quản lý, mua sắm thuốc, Bộ Y tế đã công bố danh mục 10.484 thuốc hết hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đã cấp đến hết ngày 31/12/2022; thực hiện cấp, gia hạn cho 2.875 thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Hiện đang có xấp xỉ 22.000 thuốc có giấy đăng ký lưu hành đang còn hiệu lực với khoảng 800 hoạt chất các loại, cơ bản đảm bảo được nguồn cung thuốc.
Đối với mua sắm thuốc, Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện. Việc tổ chức đấu thầu thuốc được thực hiện ở 3 cấp. Cụ thể, tại Trung ương, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức đấu thầu, đàm phán giá 50 danh mục đấu thầu tập trung quốc gia, 27 danh mục thuốc điều trị HIV/AIDS, 701 thuốc thuộc danh mục đàm phán giá.
Năm 2021-2022, Bộ đã thực hiện mua sắm danh mục 50 thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, 69 thuốc biệt dược gốc áp dụng hình thức đàm phán giá.
Tại địa phương, việc đấu thầu tập trung do đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương thực hiện (129 danh mục). Các cơ sở y tế tự thực hiện mua sắm các thuốc còn lại.
Thời gian qua, việc cung ứng, mua sắm một số loại thuốc, nhất là thuốc chuyên khoa, thuốc hiếm tại một số cơ sở y tế công lập gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến công tác khám, điều trị cho người dân.
Cụ thể, việc cấp phép đăng ký, cấp phép nhập khẩu, kinh doanh dược gặp khó khăn do trình tự, thủ tục gia hạn đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc được quy định "cứng" trong Luật Dược, trong khi đó, quy định về quản lý dược của nhiều nước đã có nhiều sự thay đổi, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19. Số lượng hồ sơ yêu cầu gia hạn ngày càng tăng. Nhân lực quản lý, thực hiện việc gia hạn đăng ký lưu hành tại Bộ Y tế còn thiếu. Chất lượng hồ sơ do doanh nghiệp nộp chưa cao...
Bộ Y tế đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở y tế có vướng mắc liên quan đến thiếu thuốc; đẩy nhanh tốc độ cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt với quy định về hồ sơ gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; tổ chức các đơn vị thẩm định độc lập tại các trường đại học y, dược; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ chỉ đạo bảo đảm nguồn cung đối với một số thuốc hiếm, thuốc có nguồn cung hạn chế; thực hiện việc điều chỉnh giá thuốc kê khai, kê khai lại đối với các mặt hàng do tăng giá khách quan; thực hiện phân cấp toàn diện phê duyệt thẩm quyền quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua thuốc cho các cơ sở y tế trực thuộc Bộ; đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập thuốc quốc gia, đàm phán giá (sớm công bố thỏa thuận khung).
Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi Luật Dược; cho phép xây dựng để ban hành cơ chế đặc thù về dự trữ đối một số loại thuốc hiếm, thuốc cần thiết cho điều trị các bệnh hiếm gặp để kịp thời phục vụ công tác mua sắm, điều trị của các cơ sở y tế; cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước triển khai sản xuất mặt hàng thuốc hiếm để chủ động nguồn cung trong nước.
Liên quan đến công tác quản lý, mua sắm trang thiết bị y tế, Bộ Y tế đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính về trang thiết bị y tế. Đến nay, Bộ đã tiếp nhận, xử lý và công bố, cấp phép, cấp số lưu hành 30.284 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại A; 12.854 hồ sơ công bố đối với trang thiết bị y tế loại B; 1.247 hồ sơ đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế loại C, D; 278 giấy phép nhập khẩu theo Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Bộ kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai, Luật Ngân sách nhà nước, trong đó miễn tiền thuê đất cho cơ sở y tế. Trong khi chưa hoàn thành sửa đổi Luật, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về việc miễn tiền thuê đất. Chính phủ chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí đất đai, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho các cơ sở để thực hiện các dự án đầu tư công, trong đó một số đơn vị trực thuộc Bộ Y tế; hỗ trợ đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các cơ sở y tế để làm cơ sở miễn nộp tiền thuê đất...
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao, cảm ơn tập thể lãnh đạo, quản lý ngành y tế ở Trung ương, địa phương, đặc biệt là đội ngũ y bác sỹ - lực lượng tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng chia sẻ đại dịch đã gây ra tác động to lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành y tế, như tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế. Nhiều mô hình thí điểm tự chủ hoàn toàn đến nay không còn phù hợp.
Công tác đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, xã hội hóa xảy ra những bất cập không lường trước được. Đầu tư công chưa hiệu quả, tản mạn. Nhiều cán bộ y tế xin rút khỏi ngành. Ngành y tế cần có quyết tâm, nỗ lực xốc lại tinh thần để giải quyết được những khó khăn. Có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay mà cần những giải pháp căn cơ, bài bản.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu.
Liên quan đến việc tháo gỡ về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, Phó Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề quan trọng, có thể làm ảnh hưởng đến dịch vụ y tế, bảo đảm sức khỏe người dân. Vì vậy, ngành cần rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định.
Đối với việc sửa đổi các văn bản pháp luật, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế cần tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tham gia vào việc sửa đổi các Luật có liên quan. Các sở y tế, cơ sở y tế cần đề xuất những vấn đề trong thực tế vào việc sửa đổi. Đối với những vấn đề cấp bách cần thực hiện ngay, không thể chờ đến khi sửa Luật, Nghị định, Bộ Y tế cần báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành các nghị quyết chuyên đề.
Đồng thời, Bộ Y tế cần rà soát, đề xuất các Nghị định sửa đổi các nghị định; bãi bỏ, sửa đổi các Thông tư không còn phù hợp. Trước mắt, Bộ cần sớm triển khai việc hướng dẫn thi hành Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực thi hành từ 1/1/2024.
Thời gian để chuẩn bị các nghị định, thông tư hướng dẫn là rất gấp rút, vì vậy, Bộ Y tế cần thống kê, đề xuất kế hoạch sớm trình Chính phủ ban hành các nghị định liên quan.../.
Theo TTXVN