Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Bình Dương cần tăng cường đưa hệ thống y tế vào nhà máy, khu công nghiệp

Thứ tư, ngày 29/09/2021

(BDO) Số ca tử vong thấp do đưa vào phác đồ điều trị sớm

Báo cáo với Phó Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết lũy kế đến nay toàn tỉnh đã có 203.989 ca Covid-19 ở 9/9 huyện, thị, thành phố; trong đó có 172.424 bệnh nhân khỏi bệnh (tỷ lệ 84,5%) và 1.923 ca tử vong (tỷ lệ 0,94%). Trong 7 ngày qua (từ ngày 21 đến 27-9), tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, số lượng F0 được phát hiện trong cộng đồng trung bình 67 ca/ ngày, so với 1 tuần trước đó giảm 44,8%. Đa số các ổ dịch trong cộng đồng đã được kiểm soát, số ca mắc mới chủ yếu được phát hiện ở trong khu phong tỏa, khu cách ly, chiếm tỷ lệ 96,3%.

Đến thăm một điểm lấy mẫu bóc tách F0 trên địa bàn TP.Thuận An, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các địa phương chỉ nên test đại diện 1 người/hộ để giảm chi phí xét nghiệm, tránh tập trung đông người tại khu vực test, không để xảy ra lây nhiễm chéo. Ảnh: MINH DUY

Số lượng F0 xuất viện nhiều hơn số F0 mắc mới, trong đó số mắc mới trong tuần là 24.284 ca, trung bình mỗi ngày có 3.469 ca mắc; số ca xuất viện là 27.903, trung bình mỗi ngày là 3.986 ca. Bình Dương đã thực hiện tiêm hơn 2,1 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19, cơ bản bao phủ vắc xin cho toàn bộ người dân trên 18 tuổi và đang triển khai tiêm vét cho người dân, người lao động. Tỉnh đang lập kế hoạch tiêm mũi 2 theo số lượng phân bổ của Bộ Y tế với số lượng 100.000 liều/ngày.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Y khoa Bệnh viện Hồi sức cấp cứu tỉnh Bình Dương, cho rằng Bình Dương có số ca tử vong thấp là do ngay từ tháng 7-2021, trong khi các tỉnh, thành chưa triển khai phác đồ điều trị thì tỉnh đã sớm đưa phác đồ điều trị riêng của mình vào quá trình điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Điều này đã góp phần giảm số ca nặng, ca tử vong. Đến nay, kết quả sau tiêm vắc xin đã giúp tỉnh tăng miễn dịch cộng đồng với tỷ lệ ca nhiễm ngày càng giảm so với số ca hồi phục, xuất viện; chưa xuất hiện các ca bệnh nặng sau thời gian tiêm mũi 1 đủ 14 ngày. Kết quả này sẽ tích cực hơn khi trong thời gian tới người dân sẽ được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Trở lại sản xuất, kinh doanh phải từng bước vững chắc, an toàn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra 3 lý do giúp Bình Dương sớm kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đó là tỉnh đã nhanh chóng triển khai phác đồ điều trị ngay từ tháng 7-2021. Tỉnh đã năng động khi thành lập nhanh các bệnh viện dã chiến, khu điều trị cách ly để thu dung bệnh nhân điều trị; bên cạnh sự chi viện, tăng cường lực lượng y tế của Trung ương và các tỉnh, thành bạn, tỉnh cũng đã huy động được hệ thống y tế tư nhân cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh, điều trị cho bệnh nhân. Tỉnh đã rất quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã đến thăm hỏi, tìm hiểu đời sống các hộ gia đình công nhân ở khu nhà trọ 71, phường Bình Hòa, TP.Thuận An

Phó Thủ tướng đã ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Bình Dương khi đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, là địa phương có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong thấp. Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tiêm vắc xin kết hợp một số biện pháp khác với mục đích giảm người bệnh nặng và tử vong là yếu tố quan trọng để tỉnh quay về trạng thái “bình thường mới”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu thời gian tới, Bình Dương cần tăng cường y tế tư nhân, tổ y tế cộng đồng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh và điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với y tế tư nhân để xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh cũng như điều trị cho F0 khi phát hiện tại nhà máy, doanh nghiệp. Khi nhà máy xanh, nơi ở xanh và công nhân xanh thì tỉnh cần cho doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Đối với việc khôi phục lại hoạt động sản xuất, tỉnh cần thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Việc đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại phải từng bước, vững chắc, an toàn, trong đó cần sắp xếp thứ tự ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực để bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trở lại trạng thái “bình thường mới”, tỉnh cần quán triệt tinh thần là không phải có ca F0 là buộc doanh nghiệp dừng các hoạt động sản xuất mà thay vào đó phải triển khai nhanh phương án đã chuẩn bị trước đó để xử lý…

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các thành viên Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã đến thăm các công nhân ở khu nhà trọ 71, phường Bình Hòa, TP.Thuận An. Phó Thủ tướng đã thăm hỏi, động viên, nắm bắt tình hình đời sống, sức khỏe của nhân dân tại khu vực và đềnghịđịa phương chỉnên test đại diện 1 người/hộđểgiảm chi phíxét nghiệm, tránh tập trung đông người tại khu vực test, không để xảy ra lây nhiễm chéo.

Kiểm tra Trạm Y tếlưu động phường Bình Hòa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã hỏi thăm tình hình sức khỏe người dân, động viên đội ngũ y, bác sĩ và tuyến đầu chống dịch đang làm nhiệm vụ tại đây. Phó Thủ tướng đề nghị địa phương tiếp tục thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch bệnh, không đểdịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Tiếp đó, Phó Thủ tướng cùng Tổ công tác đã đến kiểm tra tình hình thực hiện “3 tại chỗ” tại Công ty Pungkook Sài Gòn 2 (Khu công nghiệp Sóng Thần 1, TP.Dĩ An). Ghi nhận những nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ” của công ty trong thời gian qua, Phó Thủ tướng mong muốn trong giai đoạn tiếp theo khi trở lại sản xuất, công ty cần tiếp tục phát huy các kết quả phòng, chống dịch bệnh; nỗ lực giữ nhà máy xanh, công nhân xanh...

Thông tin với Phó Thủ tướng và các thành viên trong Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết tỉnh đã kiên quyết xét nghiệm tách hết F0 ra khỏi cộng đồng. Sắp tới tỉnh sẽ thực việc phòng, chống dịch bệnh theo hướng thu hẹp các bệnh viện dã chiến và tính tới phương án cách ly F0 tại nhà dưới sự giám sát của y tế xã, phường. Song song đó, tỉnh tăng số lượng trạm y tếlưu động trong khu công nghiệp từ 10 lên 100 trạm để đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong các khu công nghiệp. Tỉnh cũng triển khai đưa trạm y tế lưu động đến tận khu vực phát sinh ổ dịch để vừa xử lý dập dịch vừa giám sát, theo dõi, điều trị cho các F0 ngay tại nơi cư trú.

 MINH DUY