Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Phải nghĩ cách giữ công nhân làm việc lâu dài

Thứ sáu, ngày 14/10/2011

Hôm qua (13-10), Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thăm và làm việc tại Bình Dương nhân chuyến khảo sát tình hình, điều kiện làm việc, thực trạng đời sống người lao động tại các doanh nghiệp ở một số địa phương phát triển công nghiệp phía Nam.

>> Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: Cần tăng cường đối thoại doanh nghiệp và công nhân

  Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

 Đến Bình Dương, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đi thăm Công ty TNHH Showa Gloves Vietnam và URC Việt Nam tại Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (TX.Thuận An). Công ty Showa Gloves là một trong những doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài có số vốn đầu tư lớn, có số lượng công nhân làm việc khá đông. Hiện nay, DN này đã hoàn tất đầu tư giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 35 triệu USD, sản xuất ra 30.000 đôi găng tay các loại và có trên 1.050 lao động (LĐ) làm việc tại đây. Công ty Showa Gloves cũng đang có kế hoạch nâng vốn đầu tư lên 120 triệu USD, nhu cầu tuyển dụng lao LĐ 4.000 công nhân.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, Tổng Giám đốc công ty, ông Keizo Shato cho biết, do 70% LĐ tại DN là nữ, nên công ty đã đầu tư xây dựng 1 ký túc xá (KTX) cho công nhân, gồm tòa nhà 4 tầng 134 phòng, mỗi phòng đủ chỗ sinh hoạt nghỉ ngơi cho 4 công nhân, KTX đã đưa vào sử dụng từ năm 2008. Công ty cũng đang có kế hoạch xây thêm 2 tòa nhà tương tự cho cả nữ và nam công nhân tại đây, giúp họ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty... Phó Chủ tịch nước đã biểu dương những cố gắng của lãnh đạo công ty trong việc chăm lo phúc lợi cho công nhân, đồng thời mong muốn công ty tăng cường thêm các chính sách đào tạo, tăng cường giao lưu văn hóa, phúc lợi xã hội cho công nhân.

Báo cáo với Phó Chủ tịch nước, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, người lao động (NLĐ) trong các DN trên địa bàn có trình độ đại học chỉ chiếm 5%, trung cấp và công nhân kỹ thuật chiếm 13%, số còn lại do DN tự đào tạo. Thực trạng này cho thấy, NLĐ có trình độ tay nghề còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. DN chỉ đào tạo nghề để nắm bắt được công việc cụ thể theo yêu cầu của từng DN. Vì thế, NLĐ vẫn phải LĐ trong điều kiện hạn chế về an toàn vệ sinh LĐ, môi trường làm việc, nhất là tại các DN vừa và nhỏ... 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham quan dây chuyền sản xuất bánh kẹo của Công ty URC Việt Nam

Về chế độ tiền lương, các DN cũng đã thực hiện trả lương cho NLĐ theo quy định của pháp luật. Qua hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan, các DN đã xây dựng và đăng ký bảng lương, xây dựng quy chế trả lương, thưởng. Thu nhập của NLĐ bao gồm tiền lương, giờ làm thêm và các khoản phụ cấp bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng. Do đặc thù LĐ đa số là nhập cư nên nhu cầu về nhà ở rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, chỉ có 200 DN tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân đáp ứng nhu cầu cho 40.000 LĐ. Người dân cũng đã tham gia xây dựng và phục vụ chỗ ở trọ cho 300.000 LĐ, hiện toàn tỉnh còn đến 250.000 LĐ cần nhà ở.

Nhà ở chưa đáp ứng nhu cầu cho công nhân, nguyên nhân là khi xây dựng, các KCN đã không xác định đất và phương án xây dựng nhà ở, dịch vụ và các hoạt động khác phục vụ cho đời sống vật chất và tinh thần NLĐ. Ngay cả các KCN mới thành lập vẫn chưa chú ý đến việc xây dựng nhà ở, dịch vụ, cơ sở hạ tầng cho các hoạt động thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị cho biết, khắc phục những hạn chế trên, Bình Dương đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ; trong đó kêu gọi xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế đặc biệt là nhà trẻ và mẫu giáo. Cụ thể, hiện nay, nhiều phòng khám tư nhân, cơ sở nhà trẻ tư nhân được Nhà nước cấp phép, quản lý, từng bước đáp ứng nhu cầu cho công nhân. Đặc biệt, tỉnh cũng đã và đang triển khai đề án nhà ở xã hội, phấn đấu đến năm 2015 có 50% LĐ làm việc tại Bình Dương có nhà ở.

Sau khi tìm hiểu thực trạng và điều kiện làm việc của công nhân, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan biểu dương những nỗ lực của lãnh đạo Bình Dương đã và đang có những cố gắng chăm lo cho công nhân bằng những chương trình cụ thể. Phó Chủ tịch nước tiếp tục chỉ đạo, LĐ ở Bình Dương chủ yếu là dịch chuyển từ các tỉnh phía bắc, mà các địa phương này cũng đang trong quá trình xây dựng các KCN tập trung, chắc chắn sẽ tiếp tục có sự dịch chuyển LĐ trong tương lai. Vì vậy, Bình Dương cần tiếp tục suy nghĩ cách cho công nhân làm việc lâu dài như: tập trung cho công tác đào tạo công nhân, nông dân, tăng cường công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện thỏa ước LĐ, hợp đồng LĐ, bảo hiểm xã hội tại các DN, duy trì thường xuyên công tác đối thoại với công nhân và với lãnh đạo công ty, kịp thời phát hiện những sai sót để kịp thời sửa đổi.

  H.Nhân - Quốc Chiến