Phó Chi cục trưởng Chi Cục Thú y Bình Dương Tạ Trọng Khang: “Chúng tôi đang tăng cường công tác kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm…”

Thứ năm, ngày 23/05/2013

Trước tình hình lực lượng chức năng TP.HCM liên tục bắt được các chuyến xe tải, xe khách vận chuyển gia súc, gia cầm (GS, GC) thối vào địa bàn và dịch bệnh trên GS, GC diễn biến phức tạp, P.V Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương về vấn đề này.

- Xin ông cho biết thực trạng tình hình vận chuyển GS, GC tại Bình Dương trong thời gian qua?  

Ông Tạ Trọng Khang, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương

- Bình Dương có nhiều tuyến đường giao với các tuyến đường đi các tỉnh Long An, Đồng Nai, Tây Ninh… Đây đều là những địa phương có đàn GS, GC rất lớn. Vì vậy, lưu lượng các phương tiện vận chuyển GS, GC ra vào tỉnh là khá lớn. Chi cục Thú y cũng đã thiết lập các tuyến đường, hướng vận chuyển GS, GC để kiểm soát tốt việc vận chuyển. Khi đàn GS, GC các địa phương khác vào Bình Dương thì đi theo tuyến đường này tới trạm kiểm dịch để đánh dấu phúc kiểm, rồi sau đó mới đưa đến nơi giết mổ hoặc quá cảnh. Nhưng hiện nay các chốt kiểm dịch trên địa bàn tỉnh đặt rất xa, nếu bắt thương lái quay ngược lại để đi qua chốt kiểm dịch thì gây khó khăn cho các thương lái; trong khi đó có nhiều tuyến đường thương lái có thể đi. Ví dụ như tại huyện Tân Uyên, ngoài tuyến qua cầu Thủ Biên, cầu Ông Tiếp thì vẫn còn nhiều tuyến khác có thể vận chuyển GS, GC vào địa bàn. Do vậy, cần kiểm soát tốt việc vận chuyển GS, GC trên tất cả các tuyến đường. Nếu không làm tốt công tác này thì nguy cơ lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi Bình Dương là rất cao. Nếu dịch bệnh xảy ra sẽ gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thú y trong việc truy xuất nguồn gốc. Chính vì điều này mà một mặt chúng tôi chú ý đến việc tạo thuận lợi cho việc vận chuyển GS, GC của người dân, nhưng đồng thời phải bảo đảm an toàn vệ sinh dịch bệnh.

- Hiệu quả hoạt động của các chốt kiểm dịch tại Bình Dương hiện nay ra sao? Những khó khăn của các chốt này là gì, thưa ông?

- Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 8 chốt kiểm dịch để kiểm soát việc vận chuyển GS, GC ra vào tỉnh. Hoạt động của các chốt kiểm dịch này trong thời gian qua là khá tốt. Thông qua các chốt kiểm dịch, chúng ta nắm được số lượng GS, GC nhập, xuất từ Bình Dương. Các chốt này sẽ kiểm soát được việc vận chuyển GS, GC không qua kiểm dịch, qua đó kiểm soát tốt dịch bệnh; công tác tiêu độc sát trùng tại các chốt cũng góp phần tích cực vào việc phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, như trên đã nói, các trạm kiểm dịch tại Bình Dương nằm cách nhau rất xa, khâu kiểm tra phương tiện vận chuyển nghi ngờ cũng chưa thực sự mạnh vì lực lượng thú y không có chức năng dừng xe. Nếu xe cố tình vượt, lực lượng thú y chỉ có thể ghi lại biển số xe, báo cho lực lượng kiểm dịch không cấp giấy kiểm dịch cho xe này và sẽ phạt các trường hợp cố tình vượt trạm. Để các chốt kiểm dịch có thể hoạt động mạnh phải có sự hỗ trợ của các lực lượng khác như cảnh sát, dân quân. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của các lực lượng này trong thời gian qua là còn ít và không thường xuyên.

- Còn những trường hợp buôn bán GC lậu, để bắt và xử lý những trường hợp này có khó khăn không?

- Những trường hợp buôn bán GC lậu thường do các phương tiện vận chuyển đi qua các tuyến đường tắt, không qua chốt kiểm dịch, rồi đem đến các đầu mối tiêu thụ nên gây rất nhiều khó khăn cho lực lượng thú y trong việc truy xuất nguồn gốc. Các trường hợp bị bắt chủ yếu có số lượng nhỏ, còn vận chuyển GC với số lượng lớn thì chắc chắn phải có giấy kiểm dịch. Hiện nay, việc vận chuyển lậu còn xuất hiện cả ở thịt heo, thịt gà làm sẵn… Với các trường hợp này, lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử lý bằng cách tịch thu, tiêu hủy và chủ hàng sẽ chịu mọi chi phí. Để ngăn chặn tình trạng này, thời gian qua Chi cục Thú y cũng đã phối hợp với các ngành để thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân.

- Để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát việc vận chuyển GS, GC, trong thời gian tới Chi cục Thú y sẽ có phương hướng, kế hoạch gì không, thưa ông?

- Để có thể nâng cao hiệu quả của công tác kiểm soát việc vận chuyển GS, GC thì cần phải nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tại các lò giết mổ; tăng cường khống chế giết mổ lậu; các chốt kiểm dịch cần có sự hỗ trợ của các lực lượng khác. Phương hướng của chúng tôi trong thời gian tới là tiến hành tập huấn lại cho các kiểm dịch viên tại các chốt kiểm dịch cũng như tại các lò giết mổ; công tác cấp giấy kiểm dịch cũng cần phải nâng lên một bước như cần ghi rõ chi tiết các thông tin trên giấy kiểm dịch để thuận tiện hơn trong việc truy xuất nguồn gốc. Cùng với đó, chi cục cũng sẽ thường xuyên lập đoàn kiểm tra công tác cấp giấy kiểm dịch và tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm.

- Xin cảm ơn ông!

CAO SƠN