Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Trần Thanh Quang: Xử lý kiên quyết hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Ngày 31-12-2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1-3-2010. Nhằm cung cấp thông tin cho bạn đọc, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương về nội dung của nghị định này.
- Thưa ông, nội dung Nghị định 117 có gì khác biệt so với các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) trước đây của Chính phủ?
- So với Nghị định số 81/2006/NĐ-CP và các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT trước đây, Nghị định 117 có rất nhiều điểm mới, đáp ứng được diễn biến môi trường ngày càng phức tạp hiện nay. Một trong những điểm mới của Nghị định 117 đó là tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT lên 7 lần và mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng cho một hành vi vi phạm. Bên cạnh việc tăng mức phạt, Nghị định 117 cũng bổ sung và chi tiết hóa các hành vi vi phạm môi trường để cho việc áp dụng được dễ dàng. Theo Nghị định 117, vi phạm trong lĩnh vực BVMT có thể xảy ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là những vi phạm về lập và thực hiện cam kết BVMT, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án BVMT; vi phạm quy định về xả nước thải, khí thải, chất thải rắn và các quy định về quản lý chất thải; vi phạm các quy định trong hoạt động nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải, nguyên liệu, nhiên liệu, phế liệu; vi phạm các quy định BVMT trong hoạt động du lịch, bảo tồn, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Điểm mới và quan trọng nhất trong nghị định này là quy định các biện pháp cưỡng chế việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm cố tình không thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm theo yêu cầu.
- Các biện pháp cưỡng chế đó là gì thưa ông?
- Theo Nghị định 117, các cơ sở không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về BVMT sẽ bị cưỡng chế thực hiện bởi các biện pháp đó là: Ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ có liên quan; cưỡng chế tháo dỡ công trình, máy móc thiết bị; phong tỏa tài khoản tiền gửi; thu hồi mã số thuế, đình chỉ việc sử dụng hóa đơn; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề...
- Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để Nghị định 117 phát huy hiệu quả trong lĩnh vực BVMT?
- Để Nghị định 117 đi vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả trong công tác BVMT, trước mắt chúng ta cần tổ chức triển khai nghị định đến tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh để các cơ sở nhận thức đầy đủ về nghị định và từ nhận thức chuyển thành hành động BVMT. Ngoài tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp và người dân về nghị định, các cơ quan quản lý Nhà nước về BVMT và lực lượng cảnh sát môi trường cần phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh, kiểm tra về BVMT và xử lý kiên quyết những hành vi vi phạm, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Với những biện pháp nêu trên, chúng ta hy vọng rằng Nghị định 117 sẽ phát huy được hiệu quả trong lĩnh vực BVMT, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
NGỌC CHÂU (thực hiện)